Chi tiết 4 bước cài đặt sinh trắc học giúp an toàn khi giao dịch ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: Quá tải cài sinh trắc học, nhiều khách hàng được hẹn quay lại sau |
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La ra văn bản cảnh báo về việc có người giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), yêu cầu xác thực sinh trắc học dựa trên việc so sánh đặc điểm của người dùng với dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an hoặc qua VNEID, khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng mỗi lần hoặc trên 20 triệu đồng mỗi ngày.
Lợi dụng tình trạng nhiều người dùng gặp khó khăn trong việc cập nhật cài đặt sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo giả danh là cán bộ công an, ngân hàng hỗ trợ cài đặt sinh trắc học. |
Từ đó, đã xuất hiện tình trạng có người giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Những người này liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Tiếp đó, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ, thậm chí có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ; chưa dừng lại, chúng đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân thì chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Để phòng tránh, ngăn chặn trở thành nạn nhân của những hành vi lừa đảo này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện và tuyên truyền với người thân trong gia đình, phối hợp chia sẻ thông tin tới cộng đồng nơi cư trú một số nội dung:
Nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để có thông tin đầy đủ về phương thức thủ đoạn của tội phạm.
Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ Tên đăng nhập/Mật khẩu cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời. Tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Bên cạnh đó, cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình cũng như người thân, coi đó là tài sản riêng hợp pháp, không khai báo thông tin cá nhân trong những trường hợp không cần thiết;
Thực hành thói quen sử dụng mạng an toàn, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường phải có ý thức tự bảo vệ như thực hiện đổi mật khẩu tài khoản, thông báo cho bạn bè, người thân biết việc tài khoản riêng của mình có thể bị xâm nhập trái phép để tránh bị lừa đảo.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố phát huy tối đa vai trò của hệ thống thông tin cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức tới người dân trên địa bàn cảnh giác tình trạng lừa đảo thông qua sinh trắc học hiện nay và khuyên cáo người dân triển khai các biện pháp nêu trên để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin, tài sản.