Tổng mức bán lẻ tăng khá, CPI dần giảm
Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 8 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị.
Chương trình Bình ổn giá năm 2018 được đề nghị sớm triển khai |
Cụ thể, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục leo thang đã ảnh hưởng không nhỏ đến cung cầu, giá cả của nhiều mặt hàng trên thế giới như dầu, kim loại, nông sản… Các nhân tố địa chính trị như xung đột Hoa Kỳ - Iran và các nước nhập khẩu dầu từ Iran, cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo sức ép khác nhau lên giá dầu. Giá dầu thế giới có biến động tăng từ 20/8 đến nay do đồng USD yếu đi và việc dự báo thắt chặt nguồn cung khiến dự trữ dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến.
Nhìn chung, hầu hết các hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 8 có biến động tăng giảm đan xen. Đơn cử, giá mặt hàng dầu tiếp tục có biến động trái chiều, giảm trong nửa đầu tháng 8 và tăng vào cuối tháng 8. Giá đường xuất khẩu tăng tại châu Úc, giảm tại Tây Âu và Nam Mỹ. Giá đường, thép phế, thức ăn chăn nuôi giảm… đã ảnh hưởng phần nào đến giá cả các mặt hàng tại thị trường trong nước.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 8 ước đạt 370.026 tỷ đồng, tăng 0,44% so với tháng trước. Trong đó mức tăng chủ yếu tập trung vào các nhóm văn hóa phẩm, giáo dục và hàng may mặc (tăng 2,1 - 5,2%) do đang chuẩn bị vào năm học mới. Các nhóm du lịch, dịch vụ, ăn uống giảm do mùa mưa bão và đã chuẩn bị kết thúc mùa du lịch. Tính chung 8 tháng, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 2.860.371 tỷ đồng, tăng 11,16% so với cùng kỳ năm trước.
“Hai chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 11,16% so với cùng kỳ là mức tăng tương đối khá, cho thấy nền kinh tế đã dần phục hồi, sức mua tăng trưởng tốt” - ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) thông tin, CPI tháng 8 tăng 0,45% so với tháng trước. CPI bình quân 8 tháng tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Mức giảm của chỉ số CPI có một phần rất lớn nhờ mặt hàng thịt lợn đã dần giảm giá vào cuối tháng 8 sau khi tăng rất cao vào những tháng trước. Như vậy, so với mức tăng khá cao của những tháng trước, CPI bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2017 đã dần giảm, tạo đà cho mục tiêu CPI cả năm tăng dưới 4% như Quốc hội đã “đặt hàng”.
Đảm bảo ổn định thị trường
Dự báo về thị trường trong nước những tháng cuối năm, Tổ Điều hành thị trường trong nước cho rằng, mưa bão vẫn là nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung và gây tăng giá cục bộ đối với một số mặt hàng thực phẩm. Bên cạnh đó, vào dịp lễ Trung thu, nhu cầu đối với một số mặt hàng như hoa quả, bánh kẹo gia tăng, giúp thị trường trở nên sôi động. Vào dịp khai giảng, nhu cầu đối với các loại đồ dùng học tập, hàng may mặc sẽ tăng, phí giáo dục tăng. Nhóm năng lượng vẫn chịu tác động bởi biến động giá thế giới nên có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng; giá các mặt hàng nhập khẩu chịu tác động của tỷ giá nên giá cũng tăng.
“Tuy nhiên, do nguồn cung các mặt hàng thực phẩm sản xuất trong nước khá tốt, nhất là mặt hàng thịt lợn nên giá cả không tăng đột biến, tạo dư địa lớn cho việc kiềm chế CPI những tháng tới. Chưa kể, công tác điều hành thị trường được quan tâm và triển khai nên cung cầu các mặt hàng thiết yếu sẽ được đảm bảo, giúp mặt bằng giá không biến động lớn” - ông Nguyễn Lộc An cho hay.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các địa phương sớm có kế hoạch triển khai Chương trình Bình ổn thị trường cho dịp cuối năm và Tết cổ truyền; có dự báo về nhu cầu và lên kế hoạch cung ứng hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng mặt hàng thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường ký hợp đồng tiêu thụ với nhà sản xuất, bảo đảm nguồn cung với giá bình ổn cho thị trường dịp cuối năm.
Riêng đối với mặt hàng bánh trung thu, do trên thị trường xuất hiện khá nhiều loại bánh làm thủ công với nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa đăng ký chất lượng, mua bán qua mạng nên Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ chất lượng bánh và nguyên liệu làm sẵn bánh trên thị trường để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Với mặt hàng đường, do đường tồn kho trong nước đang ở mức cao nên các địa phương được yêu cầu vận động các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất ưu tiên sử dụng sản phẩm được sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các địa phương có đường biên giới phía Nam chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc nhập khẩu đường lậu qua biên giới Tây Nam.