Khởi tố vụ án "Gây ô nhiễm môi trường" xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn Kon Tum: Người dân bức xúc vì trại nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường |
Nghịch lý nơi xử lý ô nhiễm để xảy ra ô nhiễm
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động từ năm 2003. Trong khu này hiện có hai nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar hoạt động, với công nghệ hiện hữu là đốt, ủ phân compost và chôn lấp. Mục đích ban đầu xây dựng dự án này là nhằm xử lý hơn 1/3 rác thải sinh hoạt của thành phố (3.200/10.000 tấn rác thải hàng ngày của TP. Hồ Chí Minh).
Năm 2009, cả hai Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar đồng loạt khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ hiện đại. Trong đó, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa có vốn lên đến 5.000 tỷ đồng, công suất xử lý rác khoảng 1.000 tấn/ngày, còn nhà máy của Vietstar xử lý gần 2.000 tấn/ngày. Các nhà máy dự kiến hoạt động vào cuối năm 2020, hứa hẹn giải quyết đáng kể lượng rác phải chôn lấp.
Tuy nhiên, quá trình đốt rác tại khu liên hợp này phát sinh những cột khói khổng lồ kèm theo mùi hôi thối phát tán trên diện rộng hàng chục km2, nhất là khi nắng hoặc mưa to, không chỉ ảnh hưởng ở xã Thái Mỹ, Phước Hiệp mà hiện đã lan tới cả khu vực thị trấn Củ Chi, xã Tân An Hội, Phước Thạnh, Trung Lập Thượng, Phước Vĩnh An.
Khói từ nhà máy rác gây ô nhiễm môi trường (nh :Vietnamnet) |
Từ khi có nhà máy xử lý rác, những khu vườn cây trái, cánh đồng lúa, dòng kênh... gần như bị xóa sổ. Chưa kể lượng chất thải trơ 2 công ty đang lưu giữ ngoài trời với khối lượng lớn, được che phủ bằng bạt HDPE, nước rỉ rác từ các bãi này ngấm xuống đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và hư hại đất canh tác. Điều nghịch lý, dù là nơi xử lý ô nhiễm môi trường song chính nó lại gây ô nhiễm môi trường.
Ngay tại thời điểm 2010, Công ty Vietstar đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí khiến người dân xã Thái Mỹ phải làm đơn gửi cơ quan chức năng. Thời điểm đó Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xác định 2 khâu phát sinh mùi hôi thối và yêu cầu công ty xử lý.
Năm 2018, đối với, Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa cũng bị Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thanh tra, xử lý vi phạm về tiếp nhận rác vượt công suất thiết kế. Việc tiếp nhận quá lượng rác thải quá công suất cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn trước thềm kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15 ngày 12/10/22, đoàn Đại biểu Quốc hội cũng đã đánh giá về tình trạng ô nhiễm từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc là một trong 3 thách thức của Củ Chi không chỉ ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp mà còn cản trở thu hút đầu tư của địa phương này.
Nước không được xử lý có thể bị ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và canh tác (Ảnh Dantri.com.vn) |
Cần sớm có giải pháp
Trước ý kiến của người dân, trung tuần tháng 8/2023, Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã có thông tin phản hồi. Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã thực hiện kế hoạch kiểm soát xử lý mùi hôi, diệt ruồi, muỗi côn trùng trong khu vực vận hành xử lý chất thải và kể cả khu vực nhà dân xung quanh.
Đồng thời, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP (MBS), đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường phân công cán bộ giám sát liên tục hoạt động các cơ sở xử lý chất thải và giải quyết các công việc phát sinh thông qua công tác phối hợp chính quyền địa phương để điều tra, xác minh qua số điện thoại về tác động ô nhiễm môi trường như mùi hôi và nước rỉ rác.
Liên quan đến phản ánh của báo chí, ngày 18/8 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường lập đoàn thanh tra tình trạng ô nhiễm ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Tuy nhiên lãnh đạo Cục này cho biết, hiện đoàn công tác vẫn đang kiểm tra, chưa có kết quả.
Một trong những giải pháp là đốt rác sản xuất điện bằng công nghệ hiện đại. Ông Hiền cho biết, thời gian qua, công ty Vietstar và công ty Tâm Sinh Nghĩa đã thực hiện thủ tục pháp lý dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác tuy nhiên gặp vướng mắc do dự án đốt rác phát điện của hai công ty chưa được đưa vào Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, đây là thách thức lớn đối với không chỉ Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện xu thế của thế giới đang là xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện nhưng việc phát triển các nhà máy xử lý rác để phát điện ở Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là rác thải ở Việt Nam chưa được phân loại từ nguồn, rác vô cơ rác hữu cơ lẫn với nhau. Thứ hai là rác ở Việt Nam độ ẩm rất cao, lên tới 65% -70%, nhất là rác ở các tỉnh phía Nam và trong mùa mưa. Chính vì thế nếu đưa vào nhà máy đốt rác để phát điện thì chỉ còn khoảng 30% là có thể sử dụng làm chất đốt. Như vậy là không hiệu quả.
Hơn nữa, một số nhà máy cũng đốt rác phát điện thải ra lượng tro xỉ chôn lấp lên tới 25%, chưa kể từ 5% khí bụi bay ra ngoài. Vậy nhà máy xử lý được bao nhiêu? Khi tỷ lệ xử lý không đáng kể sẽ ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp bởi phát ít điện quá, hoặc sản xuất được lượng phân compost ít. Khi vấn đề tài chính không bảo đảm, nhà máy đóng cửa thì rác thải lại ùn ứ, lại phải chôn lấp?
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với tình trạng ô nhiễm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại huyện Củ Chi nói riêng, bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình thanh tra để trả lời cho người dân, các cơ quan chức năng cũng cần sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm này, trong đó có giải pháp về cơ chế, công nghệ, quản lý vận hành…