Người dân khốn khổ vì trại lợn xả thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng ở Thái Bình Hòa Bình: Người dân bức xúc vì xe tải chở đất sét gây ô nhiễm |
Trại nuôi lợn không che chắn bể biogas để phát tán mùi hôi thối ra môi trường xung quanh. (Nguồn: Báo Kon Tum) |
Dự án Trại chăn nuôi lợn của hộ ông Nguyễn Đức Thấn tại thôn 5, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, đã đi vào hoạt động hơn 1 năm. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh trại lợn kéo dài làm ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động sản xuất người dân.
Có rẫy càphê canh trại lợn, một người dân (thôn 5, xã Ngọk Wang) cho biết mùi hôi từ trại lợn bốc lên khó chịu, nhất là trong những ngày nắng.
Việc mùi hôi phát sinh từ khi trại lợn đi vào hoạt động đã được người dân phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri. Lực lượng chức năng ở huyện đã về xử lý nhưng tình trạng vẫn chưa được khắc phục. Về lâu dài, mùi hôi sẽ ngày càng làm ảnh hưởng nhiều đến người dân xung quanh.
Bức xúc về vấn đề môi trường, một lãnh đạo Đảng ủy xã Ngọk Wang cho biết từ khi trại lợn hoạt động, xung quanh mùi hôi nồng nặc. Đảng ủy xã chỉ đạo kiểm tra. Tuy nhiên, trại lợn không thuộc quản lý của địa phương nên xã không có thẩm quyền xử lý. Xã đã có ý kiến trong các cuộc họp thường kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân huyện.
Trại lợn trên có quy mô 4.800 con lợn thịt/năm, được xây dựng trên diện tích hơn 1,8ha, gồm 2 chuồng nuôi, phòng cách ly lợn, nhà kho..., nằm bên cạnh rẫy càphê, cao su của dân.
Theo Quyết định Phê duyệt Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (Quyết định 138/QĐ-UBND ngày 26/2/2021), dự án phải xây dựng 7 bể (chứa phân, biogas, điều hòa, lắng, khử trùng….) trước khi thải nước ra môi trường.
Bà Đường Thị Hồng Luân, Phó trưởng Phòng Môi trường (SởTài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum), cho biết theo luật, cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải phải lập thủ tục xin cấp phép môi trường. Dự án trại lợn ở thôn 5, xã Ngọk Vang phải có giấy phép môi trường mới được vận hành chính thức. Tuy nhiên, Sở chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đối với dự án trại lợn này.
Ngoài việc trại lợn để mùi hôi phát tán ra môi trường, ngày 4/11, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam còn phát hiện có một đường ống được nối với bể chứa nước thải trại lợn ra ngoài.
Đi theo đường ống, phóng viên phát hiện ống nước trên bị tháo giữa chừng, thải nước trực tiếp vào rẫy cao su. Nước từ đường ống thải ra nặng mùi hôi thối, nước vàng đục. Cạnh đoạn ống bị tháo, có một đường ống khác dẫn thẳng ra suối, dài khoảng 400m.
Dòng nước bẩn chảy ra ở đây khác với yêu cầu, quy định nước thải của dự án (nước thải trước khi ra môi trường qua 7 bể và một hồ xử lý, nước phải đạt quy chuẩn chất lượng lượng loại A).
Trại lợn hoạt động hơn 1 năm nhưng đã xảy ra sự cố để phân lợn tràn vào rẫy của người dân. Trong tháng 10/2023, phân lợn tràn vào rẫy, cách trại lợn khoảng 100m.
Ông Trần Nhật Tuấn, Trưởng kỹ thuật trại lợn, phân trần do kết cấu trại hoạt động lâu, xuống cấp, hầm lắng nhỏ bị sự cố nên phân tràn ra vườn càphê của dân.
Tại văn bản số 3204/UBND-TNMT ngày 18/10 do ông Nguyễn Minh Vương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện ký, sự cố xảy ra là do hỏng bể biogas. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đã yêu cầu hộ kinh doanh trại lợn phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.