Nhu cầu cao, giá tăng vọt
So với mọi năm, ra Tết không phải là đợt cao điểm của ngành kinh doanh máy tính, tuy nhiên, năm nay, ngành này lại “kiếm bộn” trong mùa dịch Covid-19. Nhiều người phải làm việc ở nhà và học sinh, sinh viên chuyển sang học online, khiến nhu cầu đối với các sản phẩm như máy tính, máy in, camera, loa, tai nghe có micro, RAM… trong thời gian gần đây tăng khá mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ giữa tháng 3, hầu hết các thiết bị văn phòng, linh kiện, phụ kiện máy tính, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ việc học tập hoặc làm việc từ xa đều tăng giá. Tùy từng mặt hàng và dòng sản phẩm, mức tăng trung bình từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Chẳng hạn như: Một số mẫu camera của Logitech, Genius tăng từ 200 - 300 nghìn đồng. Logitech HD C270 - sản phẩm tích hợp cả camera độ phân giải HD và micro, trước đây có giá khoảng 500 nghìn đồng, nay đã tăng lên 700 - 800 nghìn đồng… Sản phẩm máy in trong phân khúc giá bán chạy từ trên 3-6 triệu đồng cũng được nhiều cửa hàng bán lẻ điều chỉnh tăng từ 300.000 - 500.000 đồng. Các dòng laptop có mức tiêu thụ mạnh và được hỏi mua nhiều. Tuy nhiên, đa phần chỉ là những mẫu sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ, dưới 10 triệu đồng nhằm đủ đáp ứng cho công việc văn phòng.
Trước nhu cầu tăng cao của người dân, doanh thu nhiều hệ thống bán lẻ, cửa hàng trong mùa dịch đã tăng vọt. Đại diện của Hệ thống bán lẻ FPT Shop cho biết, thời gian qua, mảng laptop của FPT Shop tăng trưởng tốt, doanh số tháng 2 và tháng 3 tăng lần lượt là 79% và 153% so với tháng 1/2020.
Hệ thống bán lẻ Thế giới di động cũng ghi nhận, các sản phẩm điện thoại và điện tử đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, ngành hàng máy tính xách tay có mức tăng trưởng mạnh 80% so với cùng kỳ.
Nở rộ dịch vụ cho thuê máy tính
Song song với thị trường kinh doanh máy tính, thì thị trường cho thuê máy tính cũng gia tăng đột biến. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị của Chính phủ về việc đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết, một số cửa hàng máy tính nhỏ lẻ hoặc các quán nét phải đóng cửa kinh doanh, đã tìm cách mở thêm dịch vụ này bằng việc đăng thông tin trên các mạng xã hội. Giá thuê dao động từ 10 –50 nghìn đồng/ngày, tùy cấu hình hoặc giá của sản phẩm trên thị trường. Theo nhiều người, dịch vụ này khá thu hút khách, bởi chi phí khá rẻ, thay vì phải bỏ tiền mua bộ máy giá hàng chục triệu đồng, thì nay chỉ bỏ ra khoảng 300.000 – 1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều cơ sở đã “cháy hàng” ngay sau vài giờ đăng thông báo cho thuê máy tính.
Tuy nhiên, dịch vụ cho thuê máy tính cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người cho thuê và người đi thuê. Đối với người cho thuê, sẽ có khả năng một số linh kiện hay thiết bị trong máy bị thay thế nếu gặp người thuê có ý đồ xấu. Trong khi đó, nhiều người đi thuê lại e ngại phải bỏ ra số tiền đạt cọc khá lớn. Bên cạnh đó, máy tính đi thuê thường có các linh kiện cũ, nguy cơ hỏng hóc trong quá trình sử dụng rất cao.
Theo thống kê của một số đơn vị bán lẻ laptop và thiết bị vi tính lớn tại Việt Nam, thị trường trong nước đã có nhiều thay đổi trong tháng 2 và 3 vì Covid-19, tăng trưởng của ngành hàng này tại một số đơn vị bán lẻ tăng mạnh, thậm chí lên mức 150%. |