Sóc Trăng: Chuẩn bị khai thác cát biển phục vụ dự án cao tốc Sóc Trăng: Bổ sung dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế Sóc Trăng bổ nhiệm tân Giám đốc Sở Công Thương |
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và định hướng phát triển của Cảng biển Trần Đề, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lâu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
Cảng biển Trần Đề đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực nói chung. Vậy theo ông, đâu là yếu tố then chốt tạo nên tiềm năng to lớn của cảng này?
Cảng biển Trần Đề được ví như cửa ngõ chiến lược cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thuộc địa bàn huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu với vị trí địa lý: Bắc giáp rạch Bãi Giá, nam giáp cửa sông Mỹ Thanh, đông giáp đường Nam Sông Hậu tức quốc lộ 91B, tây giáp Biển Đông. Vị trí xây dựng dự án có khả năng thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Kông hiện hữu và tuyến cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP. Châu Đốc đến cảng Trần Đề từ 90-120 phút di chuyển so với các quốc lộ hiện hữu. Hơn nữa, với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút được hàng hóa đi và đến các nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện và ngắn nhất.
Trong khi đó, hơn 70% hàng xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ lên TP. Hồ Chí Minh do chưa có cảng cửa ngõ và các trung tâm logistics dẫn tới tăng chi phí, mất nhiều thời gian, giảm tính cạnh tranh, chất lượng hàng hóa. Do đó, Cảng biển Trần Đề mảnh ghép hoàn hảo giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung.
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. |
Quy mô quy hoạch và vốn đầu tư của Cảng biển Trần Đề đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn, tổng diện tích quy hoạch khu bến cảng Trần Đề khoảng 5.400ha, trong đó diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000ha. Chỉ tiêu chính quy hoạch bến cảng Trần Đề, đê chắn sóng 8,3 km; cầu dẫn vượt biển 18 km.
15 cầu cảng mỗi cầu dài 5,5km có thể tiếp nhận cỡ tàu container 100.000DWT - 200.000 DWT; tàu hàng rời đến 160.000DWT; công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn/năm.
Phương án sử dụng đất tại khu vực dự án cảng biển Trần Đề, theo đơn vị tư vấn, sẽ có gần 2.500 ha đất lấn trên biển (62,05%); hơn 460 ha đất rừng phòng hộ (11,56%); hơn 440 ha đất sông ngòi, kênh rạch (11,02%)...
Tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành Cảng biển Trần Đề là gần 154.000 tỷ đồng với phương án cát được khai thác tại mỏ. Hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn khoảng 50.000 tỷ đồng.
Phối cảnh cảng biển Trần Đề. |
Thưa ông, hiện Sóc Trăng đã và đang triển khai những giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ biến cảng Trần Đề thành hiện thực?
Tỉnh Sóc Trăng hiện đang triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư Cảng biển Trần Đề.
Đồng thời, tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối và phát huy hiệu quả đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Cảng biển Trần Đề.
Tuy nhiên, để thu hút nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án, Sóc Trăng nhận thấy cần tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù cho Cảng biển Trần Đề. Đây là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 của Sóc Trăng.
Vậy cơ chế đặc thù này sẽ bao gồm những ưu đãi gì cho các nhà đầu tư, thưa ông?
Khi đầu tư vào cảng nước sâu Trần Đề, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất…
Với những chính sách ưu đãi này, ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của dự án?
Với những chính sách ưu đãi trên, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư chia sẻ rủi ro trong giai đoạn đầu triển khai dự án, từ đó khuyến khích đầu tư và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Xin cảm ơn ông!
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 2392/VPCP – CN gửi Bộ trưởng các bộ: Giao thông Vận tải; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó rà soát, làm rõ sự cần thiết xây dựng của Đề án, cơ sở pháp lý và sản phẩm đầu ra của Đề án (kế hoạch, nghị quyết và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024). |