Trong năm 2023, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường.
Sau thời gian thử nghiệm thí điểm và tiến hành quan trắc, kể từ cuối tháng 3/2023, đến nay kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định khi có các chỉ tiêu cơ lý tương tự nhau.
Dự kiến trong tháng 4 năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan hoàn thành phương án khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc, trong đó phải thể hiện rõ địa điểm khai thác, địa chỉ sử dụng…
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - ông Trần Văn Lâu cho biết: "Theo kế hoạch, nếu các thủ tục hoàn thành sớm trong tháng 4, Sóc Trăng sẽ là tỉnh chính thức tiên phong cho phép khai thác cát biển để kịp thời phục vụ đắp nền cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 5/2024".
Hiện nay, cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 – 2025 cho 4 dự án cao tốc, gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh.
Dự kiến tháng 5/2024, Sóc Trăng tiên phong dùng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc. |
Nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, từ cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận đã tiến hành thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau, UBND tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với khối lượng trên 1 triệu m3 để triển khai thí điểm.
Dự án được nghiên cứu thí điểm là một đoạn đường hoàn trả dài khoảng 300m của tỉnh lộ 978 tại lý trình Km 79+820 dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Sau thời gian thử nghiệm thí điểm và tiến hành quan trắc, đến nay kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định khi các chỉ tiêu cơ lý tương tụ nhau.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, Cục Địa chất Việt Nam đã thực hiện hoàn thành đánh giá và tổ chức bàn giao hồ sơ cho các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Sóc Trăng. trong đó đã hoàn thành báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng, khoanh định được thân khoáng cát biển có diện tích 160,3 km2, tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 + cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3.
Đối sánh với đặc điểm cát biển tại vùng biển Trà Vinh và Sóc Trăng do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khai thác, thí điểm sử dụng trong xây dựng đường cao tốc với cát biển khu vực B1 là tương đồng. Riêng hàm lượng bụi, bùn, sét của cát biển khu vực B1 cao hơn là do lấy mẫu nguyên khai trong lỗ khoan, còn các mẫu thử nghiệm của Ban Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận lấy trên sà lan đã sơ bộ được tuyển rửa nâng cao chất lượng trong quá trình khai thác.
Mới đây, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận đã có văn bản giới thiệu Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E& là đơn vị đầu mối thay mặt các nhà thầu thi công dự án để làm việc với địa phương thực hiện các thủ tục cấp quyền khai thác theo quy định.
Theo đó, nhà thầu VNCN E&C có văn bản báo cáo phương án và đã thực hiện khảo sát địa hình, địa chất trên diện tích 100ha tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng cát ước tính sơ bộ khoảng 3 - 3,5 triệu m3.
Hiện tại, nhà thầu đang triển khai lập hồ sơ bản đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng để lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường về thẩm quyền cấp mỏ.
Sau khi có văn bản ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà thầu hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định ban hành bản xác nhận khối lượng khai thác.
Để có thể hoàn thành thủ tục và tiến hành khai thác cát biển kịp thời các dự án trọng điểm gia, đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, triển khai song song các thủ tục cấp mỏ cát biển cho nhà thầu sau khi có văn bản ủy quyền từ Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thành thủ tục trong tháng 4 và khai thác vào đầu tháng 5/2024 nhằm tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi.
Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát các thủ tục và hướng dẫn nhà thầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định và các loại thuế, phí liên quan khác để đảm bảo đủ điều kiện cho nhà thầu thực hiện khai thác ngay sau khi được cấp quyền.
"Cát biển ở khu B1 là nguồn tài nguyên của Quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chứ không phải tài nguyên của tỉnh Sóc Trăng, nên tỉnh sẵn sàng chia sẻ tài nguyên này cho các dự án trọng điểm của Quốc gia, không chỉ riêng của Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Sóc Trăng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa vào khai thác, khi đầy đủ các cơ sở pháp lý", Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.