Theo Bộ Công Thương, ngoài mặt hàng gạo, việc cho phép niêm yết mặt hàng thuộc nhóm năng lượng (gồm dầu WTI, dầu Brent, xăng pha chế, khí tự nhiên, dầu ít lưu huỳnh) tại MXV là cần thiết để giúp các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh; góp phần bình ổn thị trường; phù hợp với quy định tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP và thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương. Mặt khác, xét năng lực của MXV cũng đã đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng công nghệ để kết nối, liên thông với các Sở giao dịch hàng hóa trên thế giới để giao dịch các hợp đồng thuộc nhóm mặt hàng năng lượng.
Về phía MXV cũng nhận định, việc đưa mặt hàng và nhóm năng lượng thực hiện niêm yết vì đây là mặt hàng đang giao dịch sôi động nhất trên thế giới. Mặt khác, các nhà đầu tư tham gia giao dịch những sản phẩm này đến từ nhiều quốc gia, gồm các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các công ty sản xuất và kinh doanh dầu khí và các nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, nhóm mặt hàng này phù hợp với mục tiêu hoạt động của MXV đó là phát triển các sản phẩm chiến lược, chủ lực của Việt Nam.
Cùng với mặt hàng gạo và nhóm năng lượng, đến nay MXV đã có 19 mặt hàng được cấp phép giao dịch, chia thành 4 nhóm hàng lớn, bao gồm nông sản (đậu tương, lúa mì, ngô, dầu đậu, khô đậu), kim loại (bạc, bạch kim, đồng, quặng sắt), nguyên liệu công nghiệp (cà phê Arabica, đường, cacao, bông, caosu).
Với sự gia tăng mặt hàng niêm yết, MXV hiện không đơn thuần là tổ chức giao dịch hàng hóa mang tính địa phương mà đang hoạt động với quy mô toàn quốc, đa dạng các mặt hàng giao dịch. Bên cạnh đó, mở rộng hàng hóa giao dịch cũng được xem là phù hợp trong bối cảnh hội nhập, đáp ứng được nhu cầu mở rộng giao thương quốc tế ngày một lớn. Đồng thời, sẽ góp phần bình ổn giá cả các loại nguyên liệu công nghiệp quan trọng; thúc đẩy thiết lập một kênh đầu tư mới mẻ cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam; rộng mở cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới.
Được Bộ Công Thương cấp giấy phép thành lập ngày 1/9/2010, MXV là sở giao dịch hàng hoá đầu tiên tại Việt Nam ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa của người sản xuất, thương nhân, nhà đầu tư; đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch; thanh toán theo phương thức của một sở giao dịch hàng hóa hiện đại. Các dịch vụ nền tảng hiện MXV thực hiện là cung cấp dữ liệu thị trường, thanh toán bù trừ, hỗ trợ phần mềm và đào tạo kiến thức nền tảng về thị trường hàng hóa. Hiện nay, MXV đã kết nạp được 7 thành viên kinh doanh và 3 thành viên môi giới để phát triển thị trường. Hoạt động của MXV chưa phát sinh sự cố giao dịch nào. nNhằm giám sát chặt chẽ hoạt động giao dịch của MXV, Bộ Công Thương yêu cầu MXV triển khai kết nối hệ thống giao dịch điển tử đến hệ thống sao lưu dữ liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để chuyển liên tục dữ liệu giao dịch về cơ quan quản lý.