Mới đây, Sở Công Thương Bình Thuận có văn bản đề nghị Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh và có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bảo đảm đủ nguồn cung đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ.
SSở Công Thương Bình Thuận chỉ đạo các thương nhân xăng dầu phải bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: MH) |
Đồng thời đề nghị phía Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục thuế tỉnh Bình Thuận với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong việc tạo nguồn hàng vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh theo quy định; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ găm hàng trên địa bàn tỉnh, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cho rằng UBND các huyện, thị xã, thành phố cần giám sát chặt chẽ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, nắm thông tin, báo cáo kịp thời cho sở để triển khai các giải pháp bình ổn thị trường kinh doanh xăng dầu đảm bảo cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Sở Công Thương sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cục thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu và quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đảm bảo việc thực hiện thống nhất, xuyên suốt; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu và quy định về phát hành hóa đơn điện tử.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có gần 300 cửa hàng xăng dầu, 15 tàu dầu và 2 kho xăng dầu.