Lý do Tổng cục Hải quan đưa ra chỉ đạo nêu trên là nhằm thực hiện đúng pháp luật trong công tác quản lý nhập khẩu mặt hàng này. Theo đó, hải quan các địa phương phải thực hiện kiểm tra các khâu đăng ký tờ khai hải quan; kiểm tra hồ sơ hải quan; kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với tờ khai phân luồng đỏ) khi giải quyết thủ tục hải quan nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc.
Theo Tổng cục Hải quan, đối với đăng ký tờ khai hải quan, cơ quan hải quan chỉ đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa là thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực. Trong bộ hồ sơ hải quan, ngoài các chứng từ quy định theo Thông tư số 38/2015/TT- BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), người khai hải quan phải nộp cho cơ quan hải quan bộ hồ sơ gồm các bản chụp một số tài liệu theo qui định của pháp luật có liên quan (hóa đơn thương mại cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc; hợp đồng thương mại ký với cơ sở cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc; giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp nhập khẩu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...); hồ sơ nhập khẩu thuốc theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP.
Xử lý thủ tục hải quan. Ảnh minh họa |
Công chức hải quan thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và hướng dẫn tại Điều 7 Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2016 của Tổng cục Hải quan, kiểm tra tính hợp lệ, đối chiếu thông tin trên các chứng từ do người khai hải quan cung cấp với các chứng từ khác thuộc bộ hồ sơ hải quan.
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với tờ khai phân luồng đỏ), ngoài thực hiện theo đúng quy định nêu trên, phải lưu ý một số nội dung: Kiểm tra tên thuốc, tên nguyên liệu làm thuốc, thành phần, quy cách đóng gói phải phù hợp với thông tin khai trên tờ khai hải quan, tờ hướng dẫn sử dụng tiếng Việt kèm sản phẩm; kiểm tra tên, địa chỉ cơ sở sản xuất phải đúng tên nhà sản xuất ghi trên Giấy phép lưu hành sản phẩm, tờ hướng dẫn sử dụng tiếng Việt kèm sản phẩm; kiểm tra hạn dùng ghi trên bao bì sản phẩm.
Thuốc, nguyên liệu làm thuốc chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, trừ thuốc được cấp phép nhập khẩu không vì mục đích thương mại theo quy định tại khoản 7 Điều 91 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP. Trường hợp kết quả kiểm tra xác định thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về dược thì thực hiện tiếp thủ tục hải quan theo quy định. Trường hợp kết quả kiểm tra xác định lô hàng thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khấu không đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về dược thì xử lý theo quy định.
Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, chấn chỉnh công chức trong thực hiện quy trình thủ tục hải quan. Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành đánh giá, kiểm tra sau thông quan đối với các công ty có dấu hiệu sai phạm rõ ràng.