Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ các cửa hàng di động trong mùa lễ hội |
Vẫn còn vi phạm
Theo báo cáo của Cục ATTP (Bộ Y tế), dịp Tết Đinh Dậu và mùa lễ hội năm 2017, qua kiểm tra 42/63 địa phương, phát hiện hơn 5.600 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 2.990 cơ sở, phạt tiền hơn 2.300 cơ sở với số tiền phạt gần 8,2 tỷ đồng. Ngoài ra, đình chỉ hoạt động 22 cơ sở, đình chỉ lưu hành 41 loại thực phẩm, tiêu hủy 414 loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng.
Gần đây nhất, ngày 8/2, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 TP. Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại lễ hội Đền Và (thị xã Sơn Tây). Tại thời điểm kiểm tra, 23 hàng quán kinh doanh thực phẩm đều đã ký cam kết bảo đảm ATTP. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 10 mẫu bánh phở, bánh tẻ để xét nghiệm không phát hiện có hàn the, kiểm tra 5 mẫu tương ớt đều bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, qua kiểm tra bát đựng bún, phở, chỉ có 22/55 chiếc bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, trong mùa lễ hội, xuất hiện rất nhiều cơ sở bán thực phẩm nhỏ lẻ mang tính chất tự phát nên nguồn gốc thực phẩm thường không bảo đảm chất lượng.
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra từ nay đến hết ngày 25/3/2017 tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội và Bắc Ninh; TP. Hồ Chí Minh và Bình Phước; Khánh Hòa và Ninh Thuận; Phú Thọ và Tuyên Quang; An Giang và Đồng Tháp; Gia Lai và Kon Tum. |
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - thừa nhận, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại một số lễ hội lớn tập trung đông người trên địa bàn thành phố, đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm, chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định về ATTP.
Kiên quyết đình chỉ cơ sở sai phạm
Một điểm rất mới trong Kế hoạch kiểm tra ATTP mùa lễ hội năm nay là Sở Y tế Hà Nội sẽ điều xe kiểm nghiệm lưu động ATTP đến tất cả các lễ hội và tổ chức lấy mẫu, làm các xét nghiệm nhanh về thực phẩm ngay tại chỗ. Thời gian xét nghiệm trung bình cho mẫu thực phẩm từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, nhanh hơn rất nhiều so với việc lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm ở nơi khác. Như vậy, nếu cơ sở nào kinh doanh không bảo đảm ATTP, các đoàn kiểm tra và cơ quan chức năng địa phương hoàn toàn có cơ sở tiến hành xử lý ngay tại chỗ, tính răn đe sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các quận/ huyện/ thị xã cũng như cơ quan chức năng ở địa phương vào cuộc tích cực, tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP, tập trung vào các lễ hội kéo dài. “Chúng tôi yêu cầu tất cả các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, đồ ăn uống ký cam kết bảo đảm ATTP. Mặc dù chỉ kinh doanh thời gian ngắn, nhưng một số điều kiện bắt buộc phải đạt, bảo đảm an toàn vệ sinh như bát đũa, bàn ghế, nguồn gốc thực phẩm hay các phương tiện phục vụ chế biến. Qua kiểm tra, nếu cơ sở nào không bảo đảm các điều kiện tối thiểu thì dứt khoát phải đình chỉ”- ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng trong mùa lễ hội năm 2017, Cục ATTP sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ lễ hội.