Tuy nhiên, biên giới trên bộ và trên biển vẫn đóng cửa đối với khách du lịch.
Cuối tháng 6/2020, Senegal đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp áp dụng từ tháng 3/2020. Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tăng tại quốc gia Tây Phi này. Tính đến ngày 28/7/2020, Senegal đã ghi nhận 9.805 trường hợp bị nhiễm, trong đó có 198 người chết.
Thị trường Senegal và những triển vọng hợp tác với Việt Nam
Senegal là quốc gia Tây Phi có tình hình chính trị ổn định nhất trong khu vực, có nền kinh tế mở, là nơi đặt trụ sở Ngân hàng Trung ương các quốc gia Tây Phi, có cảng biển quốc tế Dakar và hệ thống đường sắt, là nơi trung chuyển hàng hóa trong vùng.
Senegal là thành viên của Liên minh Kinh tế - Tiền tệ Tây Phi (UEMOA), gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp và Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước có biểu thuế nội khối ở mức 0%. Nước này cũng là thành viên tích cực của Hiệp định Thương mại dự do toàn châu Phi (AfCFTA) gồm 54 quốc gia đang được triển khai thực hiện.
Sân bay quốc tế Blaise Diagne tại thủ đô Dakar, Senegal |
Đây cũng là một trong số các nước châu Phi có tỉ lệ tăng trưởng GDP cao, với tỉ lệ 6,7% năm 2018 và 6% năm 2019. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Senegal năm 2019 đạt 23,9 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 1.428 USD. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này có thể chỉ đạt 1% trong năm nay trước khi phục hồi vào năm 2021. Việc phát hiện ra dầu lửa ngoài khơi và dự kiến đi vào khai thác năm 2021 sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng cho quốc gia Tây Phi này.
Senegal đang tích cực triển khai nhiều biện pháp cải cách và mở cửa nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường đào tạo nguồn nhân công chất lượng cao, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua những ưu đãi về thuế mà nước này được hưởng khi xuất khẩu sang Liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Hiệp định Thương mại dự do toàn châu Phi (AfCFTA), EU và thị trường Hoa Kỳ.
Mặc dù thực hiện chính sách tự cấp lương thực từ nhiều năm nay song Senegal chưa thể đáp ứng được nhu cầu về gạo trong nước, mỗi năm vẫn phải nhập khẩu từ 700 - 900 nghìn tấn. Để đối phó với dịch bệnh Covid-19, năm 2020, Senegal có thể phải nhập khẩu 1.250.000 tấn gạo, tăng 13,6%.
Cơ hội gia tăng kim ngach xuất khẩu
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Senegal đạt 52,56 triệu USD (trong đó riêng gạo chiếm 32 triệu USD), tăng 103% so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh mặt hàng gạo, Việt Nam còn xuất khẩu các sản phẩm chính như hạt tiêu 6,4 triệu USD, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc 2,9 triệu USD, sắt thép các loại 2,6 triệu USD, tinh bột sắn, hàng thủy sản, hàng rau quả, dệt may, sản phẩm bằng cao su, máy nông nghiệp, linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy…
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đã đạt 25 triệu USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm trước. Gạo vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng rất cao (hơn 18 lần), đạt 14,58 triệu USD, chiếm 58% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường Tây Phi này.
Về nhập khẩu của Việt Nam từ Senegal, kim ngạch năm 2019 đạt 41,31 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2018 với các mặt hàng chủ yếu gồm điều thô 28,8 triệu USD, thức ăn gia súc 6,1 triệu USD, hải sản 5 triệu USD, bông các loại, nhựa phế liệu,…
Ngoài thương mại hàng hóa thông thường, “Kế hoạch Senegal nổi lên” giai đoạn hai do Tổng thống đương nhiệm Macky Sall khởi xướng từ năm 2014 nhằm đưa Senegal trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2035, đang mở ra nhiều cơ hội về đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản (bông, điều, xoài), khai thác mỏ (vàng, dầu khí).
Dự báo, với việc Senegal mở lại biên giới trên không, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và quốc gia Tây Phi này sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn.