Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng Quốc ca theo di nguyện “Văn Cao 18 năm trước” và những bức ảnh lần đầu công bố |
Dự Chương trình có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; cùng gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao và đông đảo công chúng yêu nhạc Văn Cao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm hỏi bà Nghiêm Thúy Băng - vợ của nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: TTXVN |
Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao được chỉ đạo và phối hợp tổ chức bởi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Đây là sự kiện âm nhạc quan trọng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong năm 2023, nhằm tôn vinh những giá trị to lớn và những sáng tạo, cống hiến xuất sắc của nhạc sĩ Văn Cao đối với nền âm nhạc nói riêng và nền văn hóa nghệ thuật của đất nước nói chung, thông qua những tác phẩm nghệ thuật bất hủ của ông.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt“. Ảnh: TTXVN |
Tham gia biểu diễn trong chương trình có hơn 300 nghệ sĩ, trong đó có nhiều giọng ca tên tuổi. Như: Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam, Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương, ca sĩ Ánh Tuyết, nghệ sĩ Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thăng Long, Đào Mác, Yvol, Đỗ Tố Hoa,Thu Hằng, Bùi Trang, Tạ Quang Thắng...
Mở đầu chương trình là đoạn phim video ngắn xúc động ghi lại những hình ảnh lúc sinh thời của Nhạc sĩ Văn Cao, khắc họa chân dung người nghệ sỹ ở ba lĩnh vực âm nhạc, hội họa và thơ ca.
Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” |
Sau đoạn phim ngắn về cuộc đời, sự nghiệp của Văn Cao, công chúng được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật dàn dựng công phu, ấn tượng, với những sáng tác bất hủ của Văn Cao: Tình ca, hành khúc và trường ca như “Thiên thai”, “Buồn tàn Thu”, “Trương Chi”, “Làng tôi”, “Mùa Xuân đầu tiên”, “Trường ca sông Lô”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà nội”, “Chiến sỹ Việt Nam”…
Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là màn tái hiện không khí "Tiến quân ca" tại Quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội). Công chúng đã được sống trong không khí ngày 18/8/1945 khi bài hát “Tiến quân ca” lần đầu tiên vang lên trước biển người rộng lớn trước Nhà hát Lớn Hà Nội và được biết đến là Quốc ca của nước Việt Nam.
Thiếu tướng, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ, chương trình đã được chuẩn bị hơn 1 năm qua, với sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ. Đây không phải là tri ân không, mà đây là một sự trả ơn lại người nghệ sĩ đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam rất là nhiều.
Điểm nhấn của chương trình là màn tái hiện không khí "Tiến quân ca" tại Quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội). |
Nhạc sĩ Văn Cao, tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923, tại Hải Phòng trong một gia đình viên chức. Thuở niên thiếu, ông đi học và làm việc ở Hải Phòng. Từ năm 1943, ông tham gia hoạt động Việt Minh, trong đội trừ gian. Thời gian này, ông sáng tác nhiều ca khúc yêu nước, nổi tiếng như “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Tiếng rừng”… làm phóng viên viết báo, làm thơ, vẽ tranh...
Ông được đánh giá là “Nhạc sĩ có tài”, có nhiều đóng góp cho hoạt động âm nhạc, nghệ thuật. Nhạc sĩ Văn Cao tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc, viết cho báo Độc Lập, tham gia Hội Văn Nghệ Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam...
Với những đóng góp của ông trong hoạt động nghệ thuật, đặc biệt trong việc sáng tác bài “Tiến quân ca”, theo Sắc lệnh số 32-SL ngày 25/4/1949, nhạc sĩ Văn Cao đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất…