Việt Nam và Anh thúc đẩy hiệp định thương mại song phương |
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hiện tại, việc đi đến thỏa thuận và ký kết UKVFTA có ý nghĩa vô cùng to lớn và thiết thực với 3 lý do cơ bản: Thứ nhất, đó là một nhu cầu hoạt động cần thiết cho cả hai quốc gia. Brexit có nghĩa là FTA EU - Việt Nam - đã có hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua - sẽ không còn áp dụng đối với Vương quốc Anh sau ngày 31/12/2020. Thứ hai, cả Vương quốc Anh và Việt Nam đều mong muốn hoàn tất thỏa thuận này càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau Covid-19. Thứ ba, các điều khoản của FTA Việt - Anh năm 2020 phần lớn sẽ giống với FTA Việt Nam - EU, nghĩa là hai nước không cần phải tiến hành một thập kỷ đàm phán.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách Thương mại Vương quốc Anh Greg Hands tại buổi làm việc ngày 1/10/2020 |
Đặc biệt, FTA Việt Nam – Anh sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar. Đây là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Ngoài ra, còn có cơ hội hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại từ các doanh nghiệp Anh; thu hút khách du lịch Anh sau khi dịch Covid-19 kết thúc; Khích lệ các quan hệ hợp tác song phương khác với Anh trong các lĩnh vực hỗ trợ phát triển, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tạo thông điệp tích cực trong quan hệ chung Việt Nam - Anh nhất là khi hai bên mới ra Tuyên bố chung về tầm nhìn hợp tác song phương nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh từ năm 1973, suốt 47 năm qua, hợp tác thương mại giữa Anh và Việt Nam không ngừng phát triển. Về thương mại, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Anh cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan). Tuy nhiên, sản phẩm “made in Vietnam” được tiêu dùng tại Anh lớn hơn rất nhiều số liệu thống kê vì có một số lượng đáng kể hàng hóa Việt Nam được nhập qua các hải cảng lớn tại Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp và Séc trước khi vào Anh.
Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam so với Anh mang tính chất bổ sung thay vì cạnh tranh, cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc thiết bị. Điều này cho thấy trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.
Thời gian gần đây, dịch Covid 19 đã bộc lộ những nứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điều đó đòi hỏi sự tái cơ cấu để đảm bảo giảm thiểu rủi ro do những điều kiện bất lợi như dịch bệnh mang lại. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Anh đạt 4,7 tỷ USD, giảm khoảng 15%. Việt Nam xuất khẩu sang UK hơn 4,1 tỉ USD giảm 14,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu thị trường UK giảm mạnh nhất là đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ, đồ may mặc, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất, đồ dùng du lịch, phương tiện vận tải và phụ tùng. Dự báo xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục cho đến khi dịch bệnh kết thúc do tâm lý lo lắng của người tiêu dùng và số lượng người thất nghiệp tăng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Anh giảm đáng kể trong 10 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm có nhu cầu giảm nêu trên thì nhu cầu nông sản thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) lại gia tăng.
Về đầu tư, đến hết tháng 8 năm 2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.
Việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA sẽ tạo cơ hội hợp tác, hỗ trợ cho hai nước phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Theo Bộ Công Thương, các lĩnh vực mà Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác trong thời gian tới là năng lượng tái tạo, sản xuất tiêu dùng bền vững, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, với ưu thế của Vương quốc Anh trong lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện môi trường, logistics, tài chính và kinh tế số, hai bên rất có điều kiện để tăng cường hợp tác trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Về phát triển bền vững, hai bên cùng hợp tác trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, giảm thiểu xả thải carbon, sản xuất sạch hơn, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Hiện tại, trong khuôn khổ các Quỹ tài chính xanh của Vương quốc Anh và Việt Nam đã xây dựng các dự án sản xuất thực hiện chuyển đổi năng lượng có hàm lượng phát thải cacbon thấp. Hợp tác thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ và thiết bị, đầu tư phát triển dự án nhằm thực hiện chuyển giao công nghệ và giảm giá thành phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam được hai bên đề xuất nghiên cứu triển khai.