Bộ Công Thương: Tạo liên kết vùng thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử Liên kết vùng phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ: Điểm sáng Thái Bình |
Hội thảo diễn ra tại thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Thái Bình đồng chủ trì và tổ chức
Hội thảo là hoạt động hướng tới việc cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 14/NQ-CP (ngày 8/2/2023) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.
Hội thảo Phát triển đầu tư, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp |
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội nganh nghề, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý.
Đây là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp cũng như tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Vị trí, vai trò đặc biệt về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Vùng đồng bằng Sông Hồng đối với cả nước đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị.
Trong những năm qua một số địa phương trong Vùng đồng bằng Sông Hồng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước (điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…). Hạ tầng thương mại phát triển khá với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và cả nước.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước và chiếm 29,4% GDP cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 40,62% và 40,64%); các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, có thể nhận thấy, tính liên kết vùng nhìn chung vẫn còn có những hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.
Thực tiễn cho thấy sự cần thiết của việc tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới logistics, chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để phát huy tối đa lợi thế vùng: là đầu mối giao thông, cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng trung du, miền núi phía Bắc tạo luồng lưu chuyển hàng hóa, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.
Theo đó, các bộ, ban ngành, cũng như các doanh nghiệp sẽ cùng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tính liên kết vùng Đồng bằng Sông Hồng thông qua 2 phiên thảo luận tại Hội thảo, gồm Phiên 1: Để đồng bằng sông Hồng là vùng động lực tăng trưởng của cả nước và Phiên 2: Liên kết phát triển kinh tế vùng từ chuỗi sản xuất, thương mại và dịch vụ.