Sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2024: Những địa phương nào giữ được phong độ? TP. Hồ Chí Minh: 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 69% |
Trong 4 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, làm gia tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp tăng hơn 37,2% so với cùng kỳ năm 2023 (Ảnh: Y Du) |
Tuy gặp nhiều khó khăn song các ngành, lĩnh vực kinh tế của Đồng Tháp đang trên đà phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ đã có sự chuyển biến tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,87% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,34%.
Đặc biệt, một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trên đà phục hồi và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Đơn cử: Chế biến lương thực (xay xát gạo) tăng 41,16%; sản xuất bánh phồng tôm, miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự tăng 10,61%; ngành giày da tăng hơn 27,5%, đặc biệt chế biến thủy sản có sự phục hồi và tăng gần 3,1%...
Đáng chú ý, xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Đồng Tháp. Theo đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 714 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của bà Võ Phương Thủy, xuất khẩu thủy sản, gạo, bánh phồng tôm và các sản phẩm chế biến sau gạo tiếp tục khởi sắc với nhiều đơn hàng, ngành dệt may cũng dần hồi phục. Trong đó, một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đơn cử như ngành lương thực (gạo) đạt hơn 308 triệu USD, tăng 149,32%; ngành thực phẩm (bánh phồng tôm) đạt 5,76 triệu USD, tăng 33,25%; ngành may mặc đạt 65,97 triệu USD, tăng 45,59%...
Nhìn chung, với việc đồng bộ những giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương và địa phương trong việc tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với việc chủ động trong sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, bà Võ Phương Thủy nhìn nhận, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại cũng còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát để kịp thời xử lý như: Tình trạng một số dự án sản xuất công nghiệp tạm ngưng hoạt động, các dự án hoạt động nhưng chưa phát huy hết công suất… Thị trường xuất khẩu tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng dự báo tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.
Chính vì vậy, trong thời gian tới Sở Công Thương Đồng Tháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục quan tâm theo dõi và hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm công nghiệp để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.
Cùng với đó, nâng cao năng lực dự báo, thông tin thị trường, kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp nắm bắt, có kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường…
Song song đó, Sở triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các sự kiện kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương, tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; phát triển các kênh phân phối hàng hóa trong nước, kết nối hợp tác lâu dài với các hệ thống bán lẻ hiện đại.