Hoạt động xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng |
Sản xuất công nghiệp tăng nhẹ
Tháng 2, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 2 tháng đầu năm, IIP tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, IIP 2 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 là bởi IIP của ngành khai khoáng giảm khá mạnh (giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2016). Bên cạnh đó, IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện cũng tăng thấp hơn với 1,9% và 3,5% so với mức tăng của 2 tháng đầu năm 2016.
Mặc dù vậy, năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định tiếp tục là động lực để kéo mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Thực tế, 2 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù gặp nhiều khó khăn song vẫn đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ năm trước như ngành dệt (vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 51,7 triệu m2, tăng 8,8% so với cùng kỳ); ngành sản xuất trang phục (quần áo mặc thường ước đạt 577,7 triệu cái, tăng 14,3% so với cùng kỳ)…
Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nâng cấp hạ tầng để triển khai 52 thủ tục hành chính qua hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, nâng tổng số các thủ tục dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương lên 205 dịch vụ. |
Xuất khẩu tăng cao, thị trường trong nước ổn định
Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng đã tạo nguồn hàng ổn định, giúp các hoạt động thương mại như xuất khẩu (XK), thị trường trong nước có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, kim ngạch XK 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, thoát khỏi đà giảm kéo dài của năm ngoái, giá XK của những tháng đầu năm có mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Theo Bộ Công Thương, so với cùng kỳ 2016, giá bình quân của đa số các mặt hàng đều tăng như: Nhân điều tăng 20,3%, cà phê tăng 31,9%, cao su tăng 81%, than đá tăng 115,5%, dầu thô 61,9%... Trong bối cảnh lượng XK giảm và việc tìm kiếm, mở rộng thị trường XK khó khăn, giá XK tăng đã đóng góp cho kim ngạch XK khoảng 736 triệu USD.
Trong các nhóm hàng XK chính, nhóm hàng công nghiệp chế biến là nhóm có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ (tăng 15,5% so với 5,4% của năm 2016). Mức tăng này được ghi nhận do đóng góp của cả giá và lượng từ một số nhóm mặt hàng như phân bón các loại (tăng 88,3% về lượng và 82% về giá trị); chất dẻo (tăng 58,7% về lượng và 69,4% về giá trị); thép các loại (tăng 26,8% về lượng và 48,7% về giá trị); máy móc, thiết bị phụ tùng (49,5%)... Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu đối với nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất cũng gia tăng mạnh.
2 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa sôi động bởi các hoạt động phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Nguồn cung thực phẩm dồi dào, cộng với công tác quản lý thị trường được thực hiện rốt ráo khiến giá mặt hàng này duy trì ổn định. Riêng giá nhiên liệu tăng do ảnh hưởng của giá thế giới. Tính chung 2 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 640.043 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.