Bình Phước: Quý I/2024, chỉ số công nghiệp nhiều ngành tăng gấp đôi so với cùng kỳ TP. Hồ Chí Minh: 4 ngành công nghiệp trọng điểm trên đà phục hồi và khởi sắc |
Tăng - giảm trái chiều
Bộ Công Thương đánh giá, tiếp đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước).
Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng ở 54/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai đến ba con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao, như Trà Vinh; Khánh Hoà; Bắc Giang; Thanh Hoá; Hà Nam; Quảng Ninh…
Đơn cử Bắc Giang, chỉ số IIP tháng 3 ước đạt 120,61% so với tháng trước và tăng 16,67% so với cùng kỳ. Lũy kế quý I/2024 tăng 23,89% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2022 tăng 23,63%; năm 2023 tăng 10,45%) của địa phương, đã phản ánh hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã phục hồi hoàn toàn.
Sản xuất công nghiệp khối địa phương tăng giảm trái chiều |
Trong đó, một số ngành có mức tăng trưởng cao như: Khai thác than cứng và than non tăng 24,95%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 44,25%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 41,13%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 19,02%.
Hay với Hà Nam, quý I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc với sự gia tăng về số lượng đơn hàng, trong đó có nhiều đơn hàng lớn và dài hạn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ước tính quý I năm nay, IIP tăng 17,16% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,07%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,86%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,14%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,29%.
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có IIP tăng, sản xuất công nghiệp khởi sắc vẫn có những địa phương gặp khó trong tăng trưởng.
Hòa Bình là một ví dụ, IIP quý I/2024 của Hòa Bình giảm 3,15% so với quý IV/2023; giảm 9,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 17,3% so với quý trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 14,96%.
Nguyên nhân được lý giải là do ngành công nghiệp khai khoáng của Hòa Bình chủ yếu là khai thác đá, sản phẩm đá phần lớn dùng trong xây dựng và làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng, do các tháng đầu năm 2024 còn đang trong mùa lễ hội nên hoạt động xây dựng giảm so với các tháng cuối năm, vì vậy chỉ số sản xuất hoạt động quý này bị giảm so với quý trước.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện quý I/2024 so với quý trước giảm 9,64%, so với cùng kỳ năm trước giảm 28,71%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh ảnh hưởng lớn từ ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện.
Kỳ vọng bứt tốc trong quý II
Dù sản xuất công nghiệp của các địa phương tăng-giảm trái chiều trong quý I/2024, tuy nhiên nguyên nhân phần lớn do khách quan. Mặt khác, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo vẫn ghi nhận tăng nên mức giảm ở một số địa phương không đáng lo ngại.
Hơn nữa, theo khảo sát của nhiều địa phương, xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo được doanh nghiệp kỳ vọng khởi sắc. Như Hà Nam, dự báo quý II/2024 so với quý I/2024, có 59,68% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên; 29,84% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và chỉ có 10,48% dự báo khó khăn hơn. Về khối lượng sản xuất, có 59,68% dự báo khối lượng sản xuất quý II cao hơn quý I; 27,42% dự báo ổn định, còn lại số doanh nghiệp dự báo giảm. Về số lượng đơn đặt hàng đã có 58,82% dự báo tăng số lượng đơn đặt hàng mới và 59,49% đánh giá tăng đơn hàng xuất khẩu.
Hay như Nam Định, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II cho thấy, 70% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 24,29% giữ ổn định và 5,71% khó khăn hơn so với quý I/2024.
Trong đó về khối lượng sản xuất, quý II/2024 có 68,57% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 25,72% giữ nguyên và 5,71% doanh nghiệp dự báo giảm so với quý I/2024. Về số lượng đơn đặt hàng mới có 93,94% số doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý I/2024; 6,06% số doanh nghiệp dự báo số đơn đặt hàng giảm. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới 86,84% số doanh nghiệp dự kiến tăng và giữ ổn định đơn hàng xuất khẩu; 13,16% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng xuất khẩu giảm so với quý I/2024.
Một trong những nguyên nhân giúp các địa phương vững tin vào sản xuất công nghiệp quý II sẽ tăng là do các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã và đang có xu hướng tăng. Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đánh giá tăng trưởng kinh tế của một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản … có cải thiện.
Trong nước, Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ Công Thương cũng đã đặt ra những nhiệm vụ “sát sườn” nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất thông suốt, thúc đẩy trưởng công nghiệp trong quý II/2024.
Theo đó, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, trong đó có những văn bản quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp như: Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất…
Cùng đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...
Theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng quý, từng tháng; đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống.