Dồi dào nguồn cung
Chúng tôi có mặt tại xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) - “vựa rau” lớn nhất của tỉnh Hưng Yên vào một ngày rét đậm, trời lất phất mưa. Từ sáng sớm, ông Đào Công Quy (HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Yên Phú) đã ra đồng chăm sóc rau. Ông Quy cho biết: “Dịp Tết, rau thường dễ tiêu thụ và được giá nên chúng tôi rất chú trọng sản xuất. Nhà tôi có 3 mẫu ruộng, để có rau bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán, từ đầu tháng 10 âm lịch tôi đã xuống giống các loại rau ưa lạnh, dài ngày như su hào, súp lơ, bắp cải. Đối với rau ngắn ngày như xà lách, rau thơm chúng tôi trồng muộn hơn, thường xuống giống trước Tết Nguyên đán khoảng hơn một tháng. Năm nay thời tiết thuận lợi, rau sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn Tết này chúng tôi sẽ có một vụ rau bội thu”.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Yên Phú, cả xã hiện có hơn 500ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 300ha trồng rau màu. Bình quân mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường từ 50-70 tấn rau củ, quả các loại. Vào dịp Tết lượng rau tăng lên từ 80-100 tấn mỗi ngày. Năm nay giá các loại rau tương đối ổn định. Hiện các loại rau ăn lá có giá từ 6.000-7.000 đồng/kg, cà chua khoảng 7.000 đồng/kg, su hào có giá từ 5.000-6.000 đồng/kg, bắp cải từ 4.000-5.000 đồng/kg. Thời điểm này năm trước các loại rau su hào, bắp cải chỉ có giá từ 1.000-2.000 đồng/kg. Dịp Tết sẽ trùng vào thời điểm thu hoạch rau màu chính của vụ đông nên nguồn cung rất dồi dào.
Bà con thu hoạch rau tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Yên Phú (Hưng Yên) |
Để bảo đảm nguồn hàng nông sản phục vụ Tết Nguyên đán, Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã sớm lên kế hoạch hướng dẫn sở NN&PTNT các địa phương tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chủ lực phục vụ Tết như: gạo, các loại thịt và rau củ, quả. Đồng thời, bố trí hợp lý cơ cấu giống, phát triển vùng sản xuất rau tập trung và tăng cường các mô hình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Diện tích rau củ, quả năm nay tăng hơn so với cùng kỳ. Tại các tỉnh phía Bắc, diện tích rau vụ đông đạt 195.000ha, tăng hơn khoảng 10.000ha so với vụ đông năm trước. Những tuần giáp Tết, thời tiết nghiêng ấm, lượng mưa vừa phải tạo điều kiện thuận lợi cho các loại rau ăn lá sinh trưởng, phát triển. Đối với các loại rau ưa lạnh như khoai tây, su hào, cải bắp, súp lơ..., do có đợt không khí lạnh bổ sung vào cuối tháng 12/2018 và trong tháng 1/2019 sẽ tạo thuận lợi cho cây sinh trưởng và năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Căn cứ vào tình hình sản xuất ở các địa phương, dự báo nguồn cung các mặt hàng nông sản dịp Tết Nguyên đán có khả năng dư thừa ở một số khu vực, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 129 nghìn con bò, 1.869 nghìn con lợn, 30.014 nghìn con gia cầm (trong đó, gà chiếm 20.465 nghìn con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 330,6 nghìn tấn; gia cầm là 92,1 nghìn tấn; thịt bò là 10,5 nghìn tấn. Đồng thời, vụ đông năm 2018-2019, toàn thành phố cũng gieo trồng khoảng 39 nghìn ha rau màu các loại. Với khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu của người dân trong tháng Tết, Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ sản lượng thịt lợn, thịt gà. Các mặt hàng khác như gạo, thịt bò; trứng gia cầm; rau củ, quả... chỉ đáp ứng được một phần, còn lại phải nhập từ các địa phương khác.
Chủ động bình ổn giá
Để bảo đảm nhu cầu thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, TP. Hà Nội đã và đang đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các chuỗi liên kết, các chương trình bán hàng bình ổn giá… Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng tổ chức các đoàn doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản tại một số địa phương như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… qua đó các doanh nghiệp đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác và tiêu thụ sản phẩm.
Tại TP. Đà Nẵng, các chợ lớn của TP. Đà Nẵng như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường đã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Để bình ổn giá sản phẩm, các doanh nghiệp đã đăng ký nhiều điểm bán thịt lợn bình ổn giá, điểm bán thịt chế biến tập trung tại các chợ, với giá bán được niêm yết hằng ngày và cam kết bán bằng giá xuất tại lò mổ…
Các mặt hàng nông sản sẽ đảm bảo đủ cung ứng trong dịp tết |
Tại TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp Tết chủ yếu từ các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường (BOTT), chiếm từ 30-40% thị phần; các chợ đầu mối (rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) trên địa bàn thành phố sẽ chiếm 60-70% thị phần cung ứng. Hiện, lượng hàng hóa tại các chợ đầu mối đạt bình quân hơn 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày. Nhằm ổn định giá cả hàng hóa cuối năm, các doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch liên kết chặt chẽ với nhà vườn để bảo đảm nguồn cung hàng hóa và ổn định giá.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ rau củ, quả, các loại thịt của người dân tăng cao. Do vậy, để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá, các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ hàng nông sản thiết yếu. Cũng tránh tình trạng cung vượt cầu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp ở các tỉnh cần kịp thời hướng dẫn người dân tái đàn, xuống giống theo nhu cầu của thị trường, thường xuyên rà soát, thống kê số liệu các mặt hàng nông sản đang sản xuất, định hướng để người dân sản xuất sát với nhu cầu thực tế.