Sản phẩm lưu niệm du lịch: Bao giờ phát triển? Phát động Cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm, du lịch, quà tặng phục vụ APEC 2017 |
Gần đây báo Tuổi trẻ đã đăng tải thông tin phản ánh Bưu điện TP. Hồ Chí Minh bày bán hàng loạt đồ lưu niệm in hình bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đáng nói, không chỉ những sản phẩm lưu niệm thông thường như móc khóa, nam châm tủ lạnh, sổ tay, bưu thiếp... ngay cả những con tem có hình bản đồ được bày bán tại đây cũng thiếu hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dưới sự phản ánh của các phương tiện truyền thông, lãnh đạo đơn vị đã kiểm tra và có văn bản thu hồi các sản này, tuy nhiên vẫn còn một số sản phẩm “lọt”, được bày bán và lý do đưa ra là "chủng loại các ấn phẩm khá lớn nên việc kiểm tra thu hồi vẫn còn sót".
Sản phẩm lưu niệm bày bán, giới thiệu tại điểm du lịch không chỉ là hàng hóa đơn thuần mà còn là cầu nối văn hóa (Ảnh minh hoạ) |
Lãnh đạo Bưu điện TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, đơn vị đã xác định trách nhiệm của nhân viên cung ứng trong việc kiểm tra trước khi nhập các ấn phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo các quy định hiện hành, đặc biệt là quy định về việc thể hiện đầy đủ các quần đảo của Việt Nam. Qua góc nhìn của những người dân bình thường sự việc được đánh giá “khó có thể chấp nhận được, nhất là lượng du khách nước ngoài đến Bưu điện TP. Hồ Chí Minh rất đông đảo” hay "những thiếu sót này tưởng nhỏ nhưng gây nhiều tác hại với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không có hai quần đảo trên các sản phẩm, thậm chí chỉ là bao bì, cũng sẽ khiến nhiều du khách lầm tưởng về lãnh thổ Việt Nam".
Sản phẩm lưu niệm ở những địa điểm du lịch không chỉ đơn thuần là hàng hoá thông thường những sản phẩm này còn có sứ mệnh truyền tải văn hoá, thể hiện những nét đặc trưng của đất nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Thực tế trên không chỉ đơn giản là thiếu sót mà rõ ràng là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là thơ ơ vô cảm trước những nỗ lực của quốc gia, sự đồng cam cộng khổ, cả máu và mồ hôi của quân và dân Việt Nam cả trong thời chiến lẫn thời bình để khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Sự việc xảy ra, trách nhiệm của đơn vị là đương nhiên nhưng không phải không có sự tắc trách của cơ quan chức năng trong vai trò quản lý, kiểm tra và nhắc nhở kịp thời.
Riêng với điều này không chỉ đến vụ việc sản phẩm lưu niệm in thiếu hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được phát hiện và xử lý kịp thời mà ngay cả những sự kiện đình đám mới diễn ra gần đây như concert BlackPink tại Việt Nam.
Trước khi concert diễn ra, Fanpage chính thức của Công ty TNHH Âm nhạc IME dẫn đường link website công ty mẹ trong đó có chứa hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp. Sự việc lập tức gây xôn xao dư luận, nhiều người chỉ trích IME Vietnam vì có động thái ủng hộ hình ảnh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam thậm chí không ít khán giả tuyên bố tẩy chay concert của BlackPink tại Việt Nam do đơn vị này tổ chức.
Sự việc không chỉ làm “dậy sóng” truyền thông trong nước mà nhanh chóng được hãng Reuters cũng như các kênh, trang tin tức nước ngoài như: MBC News, Straits Times, SCMP, The Telegraph… đăng tải.
Đáng nói, phát hiện vụ việc sớm lại là cư dân mạng xã hội. Mặc dù cơ quan chức năng ngay sau đó đã có những động thái xử lý tuy nhiên sự buông lỏng trong công tác quản lý đã thể hiện rõ ràng. Và vụ việc này là không thể chấp nhận, thậm chí gây ảnh hưởng tới hình ảnh, chủ quyền của đất nước Việt Nam.
Quay trở lại với vụ việc sản phẩm lưu niệm in thiếu hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, xét ở góc độ quy định, Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chưa có quy định cụ thể và cần phải chú trọng bổ sung các quy định, điều khoản sao cho chặt chẽ, cụ thể hơn để cơ quan chức năng có thể dễ dàng quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm. Điều này là hết sức cấp bách và phải làm sớm nhất có thể.
Ở góc độ khác, hình ảnh đất nước, chủ quyền quốc gia là bất di bất dịch, là thiêng liêng, là niềm tự hào, mỗi người dân Việt Nam đều khắc ghi điều đó sẽ hạn chế đáng kể những vụ việc không hay như đã nêu.