Báo cáo tài chính (BCTC) quý I niên độ (NĐ) 18-19 của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, SBT) ghi nhận doanh thu thuần (DTT) đạt hơn 2.523 tỷ đồng, tăng trưởng 62% so với quý I NĐ 17-18 tương ứng với lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt hơn 42 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt gần 37 tỷ đồng.
Trong quý 1, ngành đường vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện cho thấy, sự hồi phục sẽ đến trong những quý tiếp theo. Các chỉ tiêu về doanh thu và sản lượng của công ty đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ trong cả 2 loại hình sản phẩm chính là Đường và Cạnh Đường - Sau Đường. Sản lượng đường đạt 174 ngàn tấn, tăng 83%. Do các nhà máy vẫn chưa bước vào giai đoạn ép mía và chế luyện đường chính, các sản phẩm cạnh đường - sau đường chỉ mới đóng góp một phần nhỏ vào DTT, nhưng ghi nhận tăng trưởng tốt khi doanh thu mật rỉ, phân bón và khác (điện thương phẩm, cao su, mía giống, gạo, nước dừa, trà) đều tăng trên 290%.
Cơ cấu sản lượng tiêu thụ đường và doanh thu ghi nhận đường theo kênh đang từng bước chuyển dịch phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của công ty, trong đó dẫn đầu là kênh doanh nghiệp B2B, thương mại, tiêu dùng B2C và cuối cùng là xuất khẩu.
Là một trong những kênh tiêu thụ còn rất nhiều tiềm năng để khai thác cũng như đang được định hướng trong bước đi chiến lược cho những năm tiếp theo, trong quý I ghi dấu nhiều hoạt động xuất khẩu đường điển hình của SBT. Tháng 9/2018, công ty đã lần đầu thâm nhập vào một trong những hệ thống mua sắm 24h lớn ở Singapore là Mustafa Centre bằng việc xuất khẩu một container gồm 15 chủng loại sản phẩm đường cao cấp nhất của công ty như đường organic, phèn, ăn kiêng… sau khi trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu được đường sang Mỹ với những tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt vào cuối tháng 6/2018.
Quý I NĐ 18-19, biên LN gộp ghi nhận thấp hơn so cùng kỳ do quý 1 vẫn nằm trong giai đoạn mà vĩ mô ngành đường vẫn còn nhiều khó khăn khiến cho giá bán giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng do phải tiêu thụ lượng HTK của các giai đoạn trước đó khi giá thành vẫn còn cao. Trong kỳ, công ty đã ghi nhận gần 220 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 76% so với cùng kỳ, trong đó có 146 tỷ đồng là lãi tới từ việc thanh lý các khoản đầu tư và thoái vốn tại các đơn vị khác. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận thêm một khoản thu nhập khác 67 tỷ đồng phần lớn tới từ việc thanh lý bất động sản. Trong những giai đoạn ngành đường có nhiều thăng trầm như hiện nay và chưa kịp phục hồi, việc ghi nhận doanh thu vào thời điểm hợp lý đến từ những tích sản của công ty cũng góp một phần đáng kể để đạt được mục tiêu LN.
Song nhìn ở phương diện tích cực, vượt qua được giai đoạn biến động này chính là cơ hội để công ty có thể mở rộng thêm thị phần bởi những doanh nghiệp nhỏ hoạt động chưa thật sự hiệu quả sẽ không thể chịu được sức ép của quy luật thị trường và buộc phải đóng cửa.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mía đường, trong số 41 nhà máy đang hoạt động trên cả nước, có tới 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 TMN, 1 nhà máy đã đóng cửa từ cuối 2017, 21 nhà máy còn lại thì đều thuộc những công ty có nhà máy lạc hậu, cũ kỹ; tất cả đều có nguy cơ phải đóng cửa hội nhập ATIGA ngày càng đến gần.
Sau sáp nhập, chiến lược của SBT là mở rộng thị phần kênh Tiêu dùng B2C thông qua lợi thế về thương hiệu lâu năm, hệ thống phân phối, danh mục khách hàng cũng như chuỗi giá trị ngành đường mà BHS đang sở hữu; tuy nhiên tỷ trọng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên DTT vẫn đang được nỗ lực kiểm soát tốt khi chỉ còn 6,0% so với mức 7,2% của cả NĐ 2017-2018.
Cơ cấu vốn cải thiện theo chiều hướng tốt, mở đầu cho hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn
Quý I NĐ 18-19, tổng tài sản (TTS) giảm nhẹ 2% so với thời điểm cuối NĐ 17-18, tương đương đạt 17.321 tỷ đồng, một phần do công ty đã kiểm soát tốt hàng tồn kho (HTK) khi chỉ tiêu này giảm tới 36%, đang duy trì ở mức 2.547 tỷ đồng; nợ phải trả giảm 4%, hạn chế gánh nặng chi phí lãi vay sau sáp nhập. Việc giảm tỷ trọng HTK trên TTS từ 22% xuống 15% là phù hợp với chu kỳ hoạt động khi công ty chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới vào cuối tháng 10, vừa giúp giảm được lượng HTK có giá thành cao của NĐ trước, vừa giúp luôn duy trì tốt chất lượng đường.
Ở chiều ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền tăng cũng ghi nhận tăng hơn 50%, ở mức 489 tỷ đồng. Việc duy trì một lượng tiền mặt hợp lý sẽ giúp công ty linh hoạt hơn trong quá trình hoạt động, vừa đảm bảo tính thanh khoản, vừa có thể kịp thời nắm bắt các cơ hội kinh doanh. Các chỉ số thanh toán đều được kiểm soát trong mức an toàn và cao hơn trung bình ngành, ghi nhận mức tăng trưởng tương ứng 6%, 33% và 29%.
Đối với nợ phải trả, nợ ngắn hạn giảm còn 8.502 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu kỳ trong đó nợ vay giảm 142 tỷ đồng. Nợ dài hạn cũng ghi nhận giảm 2%, trong đó nợ vay giảm 63 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về cấu trúc vốn vì thế đều được cải thiện, giảm nhẹ từ 1,9% tới 5,2%. Đây được cho là một trong những nỗ lực đầu tiên của công ty trong quá trình chuyển dịch cơ cấu vốn của SBT theo hướng bền vững, chuẩn bị chu đáo việc gia nhập của NĐT chiến lược nước ngooài đồng hành lâu dài cùng SBT.
Cổ phiếu SBT phục hồi và tăng trưởng ổn định
Trong khi cả thị trường đã khép lại tháng 10 đầy khó khăn khi VN-Index đã giảm 9 phiên liên tiếp và chỉ còn 888,69 điểm, thanh khoản sụt giảm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 133 triệu cổ phiếu, tương đương 2.936 tỷ đồng; thì ở chiều ngược lại SBT là một trong nhưng số ít cổ phiếu tăng trưởng ổn định, và không bị ảnh hưởng lớn bởi tác động chung của thị trường; phần lớn đến từ niềm tin của NĐT nước ngoài vào cổ phiếu SBT khi trong tháng 10 họ vẫn tiếp tục mua ròng hơn 7,8 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị đạt 160 tỷ đồng. Giai đoạn 1/10 đến 30/10, giá cổ phiếu SBT luôn được giữ ở mức khá ổn định 20.000 đồng +/-5%. Chốt phiên 30/10/2018, cổ phiếu SBT đạt 20.600 đồng, thanh khoản cao nhất trong ngành mía đường với 2,4 triệu cổ phiếu, so với các công ty cùng ngành trung bình chỉ khoảng 90,6 nghìn cổ phiếu; đồng thời SBT cũng là một trong những công ty có giá trị vốn hóa đầu ngành với 10.206 tỷ đồng, tương đương 446 triệu USD.
Triển vọng giá đường - cơ hội cho sự đột biến trong quý II NĐ 18-19
Một trong những tín hiệu đáng mừng cho ngành đường Việt Nam là giá đường thế giới sau thời gian chạm đáy vào tháng 5/2018 thì ngành đường đang bước vào giai đoạn phục hồi của thị trường trong nửa cuối tháng 10/2018, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung đường thế giới được dự báo sẽ giảm trong những năm sắp tới.
Mặc dù chưa nằm trong danh sách các nước đi đầu trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu đường, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của SBT ngày càng năng động. Ngày 26/10/2018, tiếp tục những thành công trong quý I về xuất khẩu, SBT đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược với ED&F Man Sugar (Anh quốc) về việc tiêu thụ đường hữu cơ sản xuất tại Lào và bán các loại đường của TTC Sugar NĐ 18-19 sang thị trường châu Âu. Sau khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và được tổ chức Control Union cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và EU, TTC Sugar trở thành công ty mía đường đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn vượt trội để có thể xuất khẩu vào hàng loạt những thị trường khó tính nhất thế giới.