Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”. Theo đó, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức.
Việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, thực hiện cắt giảm khí nhà kính hướng theo các cam kết khí hậu trước đây và đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo thỏa thuận chung tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã hình thành thị trường carbon, nơi các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết.
Các doanh nghiệp thép đang triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính |
Tại Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.
Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Bộ đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chất thải phải thực hiện trách nhiệm cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ năm 2024 trở đi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023 - 2025 phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Theo đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025…
"Năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Đây sẽ là phép thử cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện cắt giảm khí nhà kính"- ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Theo lộ trình, các doanh nghiệp trong danh mục cơ sở phát thải lớn cũng có quy định bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải từ năm 2026 trở đi. Trong giai đoạn thí điểm, các ngành, các cơ sở phát thải lớn như: Thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao năng lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại khi chính thức vận hành.
Như vậy, các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực hoàn toàn có đủ thời gian tìm hiểu và có sự chuẩn bị tham gia thị trường. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính và MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất; tính toán mức tiêu hao năng lượng và phát thải KNK trong sản xuất, kinh doanh…