Longform | “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La Phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 |
Tự hào nguồn dược liệu quý
Không phải tự nhiên mà sâm Ngọc Linh lại được coi là “quốc bảo” - là một trong những loại sâm quý của Việt Nam. Theo Thông tư số 16/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, sâm Ngọc Linh là 1 trong 23 loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm và đặc hữu phải kiểm soát.
Thông tư 16 cũng chỉ rõ, loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm là dược liệu có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng. Loài, chủng loại dược liệu đặc hữu là dược liệu chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định của Việt Nam mà không được ghi nhận là có ở nơi khác trên thế giới.
Tại Việt Nam, từ nhiều năm nay, mỗi khi nói tới sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng thường nghĩ loài cây quốc bảo này chỉ được trồng ở Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng… Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, nghiên cứu, ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long - tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La, đã chứng minh cho người tiêu dùng thấy, sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La phát triển tốt và chất lượng vượt trội.
Cây sâm Ngọc Linh trồng trên đất Sơn La sinh trưởng và phát triển rất tốt |
Nhờ nắm chắc kỹ thuật, mà công ty đã nhân thành công giống sâm, được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho phép lưu hành giống sâm tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, phương pháp gieo giống bằng hạt công ty đã thành công khi tỷ lệ nảy mầm đạt 100%. Tháng 7/2022, công ty được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng Bảo hộ giống cây trồng đối với sâm Ngọc Linh, với thời gian bảo hộ 20 năm.
Theo kết quả phân tích hàm lượng 17 Acid Amin có trong cao sâm Ngọc Linh Thành Long Sơn La và các loại cao sâm khác có mặt trên thị trường do Trung tâm phân tích và giám định thực phẩm quốc gia - Viện Công nghiệp thực phẩm thực hiện, các acid amin quan trọng như Acid aspartic, Serine, Glutaminc acid, Glycine… trong cao sâm Ngọc Linh Thành Long Sơn La đều có giá trị vượt trội. Điều này cho thấy thổ nhưỡng, khí hậu Sơn La và công nghệ chế biến sản phẩm cao sâm của Công ty Thành Long đều mang lại giá trị vượt trội cho sản phẩm.
Đặc biệt, ngày 12/4/2023, kết quả của Viện Dược liệu cho thấy, hoạt chất majonosid R2 (hợp chất chính đặc trưng cho sâm Việt Nam) trong mẫu sâm Ngọc Linh của công ty đạt tới 5,74%.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh Thành Long Sơn La |
Trăn trở với sâm
Ông Long cho biết, Công ty hiện có khoảng 9.000m2 sâm (trong đó có 6.000m2 trồng tập trung); khoảng 20.000 cây sâm có tuổi đời 4-5 năm, 40.000 cây 2 năm tuổi, 100.000 cây giống mới trồng. Sâm có tuổi đời lâu nhất là hơn 10 năm. Tổng giá trị từ cây sâm khoảng 100 tỷ đồng.
Sâm tươi được Công ty bán với giá 60-80 triệu đồng/kg, tùy từng loại. Năm 2022, Công ty thu hoạch hơn 100kg sâm Ngọc Linh. Hiện, đang thuê 6 lao động làm việc thường xuyên với mức thù lao 6 triệu đồng/người/tháng (không tính hỗ trợ ăn uống) và thuê 50-60 lao động thời vụ.
“Hiện nay, nhiều huyện của Sơn La đề nghị doanh nghiệp thực hiện mô hình để bà con địa phương học tập, làm theo. Thời gian tới, Công ty sẽ mở thêm mô hình ở Bắc Yên, Thuận Châu, Mường La với mục đích để nông dân có thêm một loại cây, thêm một giống cây, có thêm mô hình để học tập phát triển kinh tế”, ông Long tâm sự.
Ông Long cho biết thêm, năm 2021 Công ty bắt đầu sản xuất cao sâm Ngọc Linh Thành Long, rượu sâm Ngọc Linh Thành Long và rượu cao sâm Ngọc Linh Thành Long. Năm 2022, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Kết quả, cả 3 sản phẩm này đều đạt OCOP 4 sao.
"Cao sâm Ngọc Linh có tác dụng rất tốt, đặc biệt là hỗ trợ tăng cường thể lực, nâng cao khả năng miễn dịch, tăng cường sức khoẻ..." - ông Long nói.
Tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người bản địa |
Hiện, cao sâm Ngọc Linh Thành Long đang bán với giá 25 triệu đồng/100g. Bước đầu các sản phẩm chủ yếu bán cho người thân quen, chưa đủ sản lượng cung cấp rộng rãi ra thị trường.
“Các sản phẩm này rất tốt, người tiêu dùng sau khi sử dụng phản hồi tích cực, nhưng bài toán về giá thành vẫn khiến tôi đau đầu. Tuy nhiên, so với đơn vị khác giá thành sản phẩm của công ty đang rẻ hơn nhiều. Hy vọng sắp tới, công ty có thể mở rộng vùng trồng, nâng cao năng suất và đa dạng hóa sản phẩm để ngày càng nhiều người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm” - ông Long trăn trở nói.