Đường dây 500KV mạch 3: Lời cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư nước ngoài VCCI đề nghị gỡ vướng cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam |
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng đồng Việt Nam (VND) để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Cơ quan soạn thảo cho biết, hiện nay, quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2014/TT-NHNN (Thông tư 05). Cụ thể, Thông tư 05 quy định nội dung cụ thể về: Đối tượng mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp; các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam; sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp gồm các giao dịch thu, chi được thực hiện thông qua tài khoản này; quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng được phép và nhà đầu tư nước ngoài; chế độ báo cáo, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm…
Thực hiện mục tiêu nâng hạng và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, tại Thông báo Kết luận số 122/TB-VPCP ngày 27/3/2024 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
Do đó, cần thiết phải xây dựng thông tư thay thế Thông tư 05 để giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài về đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, quy trình mở tài khoản đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài (không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với hồ sơ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài); mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng phương thức điện tử; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mở nhiều tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tương ứng với mã số giao dịch chứng khoán được cấp…
Dự thảo đề xuất cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mở nhiều tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tương ứng với mã số giao dịch chứng khoán được cấp. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, theo cơ quan soạn thảo, cơ sở pháp lý làm căn cứ xây dựng Thông tư 05 cũng không còn phù hợp. Cụ thể, căn cứ pháp lý xây dựng Thông tư 05 dựa trên Luật Đầu tư 2005, hiện nay đã được thay thế bằng Luật Đầu tư 2020, Luật Chứng khoán 2006 được thay thế bằng Luật Chứng khoán 2019 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã được thay thế bằng Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Ngoài ra, một số quy định khác tại Thông tư 05 không còn phù hợp thực tế như: Pháp lệnh ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên, Thông tư 05 lại quy định là tài khoản vốn đầu tư gián tiếp. Hay tại Thông tư 05 có quy định về hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam (Điều 5). Tuy nhiên khái niệm về các hình thức đầu tư gián tiếp được quy định tại pháp luật chuyên ngành (Luật Chứng khoán, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán). Việc quy định nội dung này tại Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước.
“Xuất phát từ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 05 là cần thiết để triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong tình hình mới” - Ngân hàng Nhà nước nêu.
Dự thảo Thông tư bao gồm 11 Điều với các nội dung chính: Quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Quy định nguyên tắc chung; Quy định về việc mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp; Quy định về sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp...