Tỉnh Gia Lai: Hàng loạt cây thông tại dự án "khủng" của FLC có nguy cơ chết khô 135 tỷ đồng đầu tư trạm biến áp 110kV Trà Đa và đấu nối |
Công trình hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2005, với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Dự án này là một trong hai công trình đại thủy nông của khu vực Tây Nguyên. Dự án có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 14.347 ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho 50.000 người dân, kết hợp giảm lũ hạ du, nuôi trồng thủy sản và du lịch.
Người dân xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) ngóng trông, nhưng công trình thủy lợi mãi chưa hoàn thành |
Năm 2017, đập thủy lợi Ia Mơr hoàn thành, chặn dòng tích nước, có dung tích gần 180 triệu m3, diện tích mặt nước 2.800 ha. Đến nay, hai đường kênh chính Đông và Tây đã hoàn thành và dẫn nước từ đập đến một số vùng tưới thuộc 2 tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk.
Tuy nhiên, trên một số đoạn ở trên 2 kênh chính Đông và Tây vẫn chưa thể xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước đến ruộng của người dân. Nguyên do vì khu vực này đang là đất lâm nghiệp và chưa được chuyển đổi.
Dự án khi được phê duyệt kỳ vọng sẽ cấp nước tưới và sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân song công trình hồ thủy lợi Ia Mơr vẫn chưa hoàn thiện vùng tưới khiến người dân thiếu nước sạch, ruộng đồng khô khốc.
Nằm cách chân đập chỉ vài trăm mét, nhưng cánh đồng rộng hàng trăm hecta của người dân xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) lại bị bỏ hoang, khô nứt nẻ do thiếu nước tưới.
Nhà có 5 sào ruộng, cứ hễ tới mùa vụ, anh Ksor Linh (làng Klăh, xã Ia Mơr) lại phải loay hoay khắp nơi tìm nước tưới. Anh Linh cho biết, vì thiếu nước tưới, mỗi năm gia đình anh chỉ làm đúng một vụ lúa vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 còn những tháng còn lại thì ruộng đồng bỏ không. Chưa kể lúa cho năng suất thấp, thậm chí có năm gia đình anh mất trắng.
“Trước đây khi nghe tin có hồ thủy lợi, người dân trong làng vui lắm vì nếu mà công trình thủy lợi hoàn thành thì chúng tôi sẽ có nước tưới và sinh hoạt. Thế mà chờ đợi mỏi mòn bao năm giờ vẫn vậy, nước tưới không biết khi nào mới về tới ruộng”, anh Linh buồn bã.
Anh Linh chia sẻ: “Dù công trình đã khởi công vậy mà năm này qua năm khác chẳng thấy giọt nước nào. Khu vực ruộng của tôi đã thấy làm xong kênh mương nội đồng, nhưng không hiểu tại sao vẫn chưa thấy đưa nước về. Chúng tôi rất mong sớm hoàn thiện để người dân có nước tưới và sinh hoạt, nhất là vào cao điểm mùa khô”.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Linh, hơn 2ha lúa của anh Ksor Thia (làng Krong) cũng không khá khẩm hơn. Anh Thia cho biết, ruộng của anh cách đường kênh chính thuộc hồ thủy lợi Ia Mơ chưa đến 100m nhưng không có kênh nhỏ dẫn vào ruộng nên anh và nhiều hộ dân khác không thể sử dụng nước từ lòng hồ thủy lợi.
Theo người dân xã Ia Mơr đây, trước kia họ chủ yếu lấy nước sinh hoạt từ suối nhưng vì trên địa bàn xã có nhiều công trình lớn đang xây dựng nên nước suối bị ô nhiễm.
Chị Rơ Lan Ba (làng Klăh, xã Ia Mơr) cho biết: “Từ khi ở đây làm cầu, làm kênh, nước suối khu vực này đục ngầu, nhưng vì không có nguồn nước nào nữa nên người dân vẫn bất đắc dĩ phải lấy nước ở đây về sinh hoạt”.
Nhiều hécta đất nông nghiệp tại xã Ia Mơr bỏ hoang vì thiếu nước để canh tác |
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch xã Ia Mơr, cho biết hiện có khoảng 4.700ha đất lâm nghiệp đang được kiến nghị chuyển đổi qua đất nông nghiệp. Nếu chuyển đổi được sẽ làm khu sản xuất và xây dựng tiếp hệ thống kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đang chờ Quốc hội xem xét và cho ý kiến.
Trước mắt xã Ia Mơr đang thực hiện khảo sát lại số diện tích hoa màu, lúa nước gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Qua đó kiến nghị xin chuyển đổi một số quỹ đất lâm nghiệp nhỏ lẻ để xây dựng hệ thống dẫn nước cho bà con, thay vì chuyển đổi hàng nghìn hécta diện tích như đề xuất.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, địa phương rất mong muốn các cơ quan quản lý sớm có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về nước tưới cho vùng Ia Mơr.