Mưa kéo dài, giá rau xanh tại chợ tăng mạnh Hà Nội: Rau xanh, thịt lợn đắt hàng trước bão số 3 Hà Nội: Người dân ồ ạt tích trữ cho siêu bão, rau xanh, thịt lợn 'bay sạch' chỉ trong một buổi trưa |
Sức mua tăng đột biến, rau xanh, hoa quả "cháy hàng"
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, 20h tối ngày 6/9/2024 trước giờ siêu bão Yagi đổ bộ, lượng khách hàng đổ về mua sắm tại siêu thị Lotte Tây Hồ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đông hơn ngày thường. Do sức mua quá lớn, nên nhiều quầy hàng rau củ, thịt cá, đồ ăn nhanh, hoa quả... tại siêu thị này đã hết sạch hàng, nhiều quầy trống trơn.
Sau bữa tối, bác Nguyễn Gia (sinh sống tại UDIC Westlake, quận Tây Hồ, Hà Nội) rủ mọi người sang siêu thị mua đồ ăn cho cả gia đình trong những ngày tới. Khi đến nơi bác bất ngờ vì lượng khách hàng tăng đột biến, nhiều quầy đã không còn hàng để lựa chọn.
"Siêu thị Lotte Tây Hồ lúc nào cũng đông đúc người đến mua sắm và tham quan, tuy nhiên, tối nay lượng khách tăng đột biến. Bằng giờ này những ngày thường, các quầy hàng rau xanh, thịt cá, hoa quả... vẫn đầy ắp đồ để phục vụ sức mua sắm của người dân, nhưng hôm nay, để chuẩn bị lương thực, thực phẩm đón bão, nhiều gia đình đã tranh thủ mua hàng từ sớm. Quầy rau xanh, sữa chua... hết hàng sớm nhất" - bác Nguyễn Gia chia sẻ.
Các quầy hàng hoa quả, rau, củ, thực phẩm... tại siêu thị Lotte Tây Hồ tạm thời hết hàng. Ảnh: Hoàng Giang |
Tương tự, chị Thu Ngân (sống trong ngõ 614 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho biết, lo ngại mưa bão vào ngày mai, nên sau ca làm việc chiều có đi qua chợ truyền thống để mua thực phẩm, nhưng ngoài chợ, rau xanh cũng còn rất ít hàng. Tối nay đi siêu thị muộn, nên cũng không lựa chọn được nhiều hàng hóa.
Trong chiều và tối nay, nhiều siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến. Song việc hết hàng chỉ diễn ra trong một số thời điểm nhất định khi nhân viên chưa kịp bổ sung hàng lên kệ. Dù lượng khách hàng tăng, nhưng giá hầu hết loại thực phẩm thiết yếu tại siêu thị vẫn được giữ ổn định.
Cam kết đảm bảo nguồn cung, giá cả không biến động
Bão số 3 Yagi được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão, theo lĩnh vực được phân công, ngày 6/9, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6751/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3, trong đó chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Báo cáo nhanh của Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...) cho biết, để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm, Sở Công Thương các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.
Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai.
Việc hết hàng chỉ diễn ra trong một số thời điểm nhất định khi nhân viên chưa kịp bổ sung hàng lên kệ. Ảnh: Hoàng Giang |
Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối (Saigon Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart...) lượng khách đến mua hàng từ tối ngày 5/9/2024 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị BRGMart cho biết, sức mua hàng hoá tăng khoảng 20% từ chiều ngày 5/9/2024. Về dự trữ hàng hoá, do nắm bắt thông tin sớm, hệ thống siêu thị đã đặt hàng, tăng lượng dữ trữ hàng hoá thiết yếu 30% so với bình thường, giá cả hàng hoá không có biến động và các chương trình khuyến mại thúc đẩy tiêu dùng, bình ổn giá, vẫn được đơn vị triển khai toàn diện…
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám Đốc chuỗi WinMart cũng chia sẻ, tại siêu thị WinMart Thăng Long, lượng hàng nhập về tăng từ 200-300%, lượng khách đến siêu thị mua sắm sáng nay (6/9) tăng 300% so với ngày thường. Với tình hình bão ảnh hưởng tới khu vực miền Bắc, WinMart đã lên kế hoạch để bảo đảm đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô dự trữ
Đến nay, qua báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Theo nhận định của Sở Công Thương các địa phương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.
Đến 19h ngày 6/9, vị trí tâm bão vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 110, độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 360km. Sức gió mạnh nhất cấp 15 (167-183km/h), giật cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h. Như vậy, sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) bão Yagi đã giảm 1 cấp. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h. Rạng sáng 7/9, bão số 3 đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 14, giật cấp 17. Trong ngày 7/9, bão Yagi có khả năng đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ. Dự báo lúc 16h ngày 7/9, tâm bão ở trên đất liền ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định, cường độ bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. |