Quyết liệt đảm bảo nguồn cung và điều hành hợp lý giá xăng dầu - Bài 1: Tuyệt đối không để thiếu xăng dầu |
Điều hành giá xăng dầu bằng cách nào?
Giá xăng dầu trong nước được điều hành theo biến động của thị trường thế giới, cùng với việc sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá dẫn chứng, ngày 24/2, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng. Trong đó, từ ngày 11/1 đến 21/2, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45 - 20,88%. Tuy vậy, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59-14,04%, cho thấy điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu vực.
Giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt thời gian qua |
Việc điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 của Chính phủ. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung - cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích các DN duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
"Chính phủ, cơ quan điều hành cũng mong DN thông cảm, chia sẻ bởi khi điều hành giá phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, từ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI và mục tiêu vĩ mô của Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước tăng 21%; nhưng giá xăng dầu thế giới đã tăng đến gần 30%” - ông Trần Duy Đông chia sẻ.
Xung quanh câu chuyện điều hành giá xăng dầu, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế phân tích, giá xăng dầu tăng gắn với nhiều nguyên nhân trong và ngoài nước. Về khách quan, giá dầu thế giới đã và đang chịu nhiều áp lực về tăng tổng cầu và kiểm soát nguồn cung, cộng hưởng với căng thẳng địa chính trị ở châu Âu, nên đang tiến sát mốc 130 USD/thùng, mức cao nhất 8 năm qua. Chính vì vậy, giá xăng dầu trong nước tăng là điều khó tránh.
Vị chuyên gia này thẳng thắn đánh giá: “Phải khẳng định rằng Bộ Công Thương, hay nói cách khác là cơ chế quản lý điều hành xăng dầu có nhiều tiến bộ và hoạt động cung ứng cũng như là điều hành giá về cơ bản ổn định trong thời gian tương đối dài”.
Ông Trần Duy Đông chia sẻ thêm, trên cơ sở báo cáo Chính phủ và được đồng ý về thời điểm điều hành giá linh hoạt hơn, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu. Trong đó, phương án điều hành thời gian tới sẽ để ngỏ thời điểm điều hành. Bộ Công Thương sẽ lựa chọn cho phù hợp, đảm bảo sát hơn với thị trường, tạo nguồn, đỡ gây áp lực cho DN.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt
Không thể phủ nhận, thời gian qua, quỹ BOG xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, giúp công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng, giảm ở mức độ phù hợp, không xảy ra tình trạng đột biến về giá.
Ngay trong kỳ điều hành mới nhất vào ngày 1/3, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa và duy trì chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92 và dầu diesel, tăng chi Quỹ BOG đối với hàng xăng RON95 để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này) để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc điều hành giá xăng dầu đã được tính toán kỹ để không "gây sốc" cho nền kinh tế |
Cụ thể, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 220 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi.
Nhà điều hành cho biết, nếu không sử dụng quỹ BOG, giá xăng, dầu sẽ tăng tới gần 1.000 đồng/lít.
Một chuyên gia kinh tế chia sẻ, thực tế là có những thời điểm giá thế giới biến động rất mạnh, chúng ta dùng quỹ BOG giữ giá xăng dầu. Tại thời điểm như vậy thì dư luận không hiểu được những cố gắng của Chính phủ. Trong khi giá tăng lên một chút lại phản ứng tiêu cực. Nếu không có công cụ này, giá xăng dầu có thể cao hơn hiện tại rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến việc kiềm chế lạm phát cũng như quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.
Tại cuộc họp gần đây của Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng khẳng định: “Do sử dụng Quỹ BOG hiệu quả và linh hoạt nên mức tăng giá xăng dầu thời gian qua vẫn ở mức độ chịu đựng được đối với nền kinh tế, người dân và hỗ trợ sản xuất. Do đó có thể nói rằng Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò rất tốt”.
Theo Vụ Thị trường trong nước, do sử dụng để hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng của người dân và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nên hiện nay số dư của Quỹ chỉ còn khoảng 700 tỷ đồng. Mức quỹ của nhiều DN lớn như Petrolimex, PV OIL đã âm. Hiện Bộ Công Thương cũng tính toán phương án điều hành và kịch bản làm thế nào để tiếp tục có dư địa tạo lập quỹ để có công cụ sử dụng hỗ trợ khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục có biến động mạnh.
Nói cho cùng, việc điều hành giá xăng dầu không thể theo hướng “một mình một chợ” được, mà buộc phải chấp nhận bởi cơ chế của thế giới. Nếu như quan niệm cứ lúc nào xăng giảm thì mừng, mà tăng thì không vui, thậm chí còn rất gay gắt đối với các cơ quan chức năng có lẽ không công bằng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Ngoài công cụ Quỹ BOG, Bộ Công Thương đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Tài chính về việc giảm thuế phí cho xăng dầu. Chúng tôi đã kiến nghị và sẽ tiếp tục kiên định với những kiến nghị này để hạ giá xăng trong nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. |
Bài 3: Tiếp tục hướng tới những giải pháp quyết liệt và căn cơ