Cần sớm hiện thực hoá "giấc mơ” đô thị ven sông Hồng Sôi động thị trường bất động sản phía Đông Nam Hà Nội |
Tháng 3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000. Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia đánh giá phía Đông Hà Nội đang có nhiều lợi thế và tương lai sẽ chứng kiến những cuộc đại dịch chuyển cả về dân số lẫn kinh tế quy mô chưa từng có.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận các nội dung như: Hiện thực hoá giấc mơ đô thị ven sông Hồng; Bất động sản phía Đông Hà Nội trỗi dậy từ Quy hoạch đô thị sông Hồng và làn sóng di dân khỏi phố cổ; Tiềm năng từ các dự án phía Đông Hà Nội gắn với Quy hoạch đô thị sông Hồng; Đột phá đầu tư công – khu Đông Hà Nội trở thành điểm hội tụ Vùng Thủ đô.
Ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland - đánh giá, tại các khu vực ven đô, nằm quanh bán kính trung tâm Hà Nội khoảng 5 -15km, nhất là khu Đông Hà Nội – nơi có quỹ đất lớn, có thế mạnh về cảnh quan, về hệ sinh thái đã và đang hiện hữu các khu đô thị lớn, được thiết kế như những khu nghỉ dưỡng, với mật độ cây xanh và mặt nước khổng lồ, không gian yên bình giữa thiên nhiên, mật độ cư dân thấp là nơi đáng sống được lựa chọn hàng đầu.
Cũng theo ông Khiêm, tương lai của “lõi nội đô 2” hiện diện ngay tại phía Đông Hà Nội khi ngày càng có nhiều cây cầu lớn nối hai bờ sông Hồng cùng các tuyến vành đai, bao gồm cả tuyến Vành đai 5 theo kế hoạch.
“Ở khía cạnh thị trường, nhiều nhà đầu tư đánh giá, chứng khoán là vua, bởi lợi suất từ kênh đầu tư này rất cao. Nhưng khi thị trường chứng khoán khủng hoảng, đích đến của dòng tiền vẫn luôn là bất động sản, bởi đây là kênh có tính bảo toàn vốn cao, luôn có thanh khoản và hiện vẫn duy trì được mức lợi suất hấp dẫn. Điều này càng được củng cố khi vàng vẫn trượt dài trong đà giảm giá từ tháng 8 tới nay, còn kênh gửi tiết kiệm không thể mang lại biên lợi nhuận lớn do việc tăng lãi suất chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp. Nhìn ngang nhìn dọc trên thị trường, bất động sản vẫn là "cửa sáng" của các nhà đầu tư. Đặc biệt là các dự án nhà ở phía Đông với các sản phẩm là bất động sản thấp tầng” – ông Khiêm bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - đánh giá: Trong một cuộc khảo sát gần đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, có tới 83% số người được hỏi nhận định bất động sản như một công cụ đối phó với lạm phát, 90% khẳng định giá bất động sản, sẽ tăng mạnh từ nửa cuối năm nay, một phần do nhu cầu nắm giữ bất động sản thay vì bán ra để thu tiền mặt của các nhà đầu tư, đồng thời các tác động của xã hội thúc đẩy tâm lý mua vào bất động sản để trú ẩn dòng tiền.
Khẳng định phát triển đô thị 2 bên bờ sông Hồng - dấu mốc lịch sử “Điểm sáng phía Đông” Thủ đô Hà Nội, nhằm đảm bảo thực hiện từ quy hoạch đến thực tiễn, bà Phạm Thị Nhâm - Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia - cho rằng, quan trọng nhất cần quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông với thông tin minh bạch, có sự tham gia của người dân, các nhà khoa học để khi triển khai các dự án, chính quyền cần thực hiện đối thoại với người dân.
Quy hoạch và phát triển đô thị cần dựa trên các quan điểm phát triển bền vững dựa trên 3 yếu tố quan trọng gồm: tôn trọng thiên nhiên; tôn vinh văn hoá - lịch sử; nâng cao vị thế thủ đô Hà Nội, cạnh tranh với Thủ đô các nước ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lựa chọn dự án đầu tư xây dựng 2 bên bờ sông Hồng cần chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới, thay vì lựa chọn các chức năng nhà ở thuần tuý. Không gian chức năng đô thị 2 bên sông và cây cầu kết nối qua sông đều phải là những biểu tượng mới về kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, thông minh, hiện đại; và là những điểm sáng của Trung tâm mới về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ tạo nên những đòn bảy, cú hích đột phá phát triển vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ và thực hiện Chiến lược đổi mới nền kinh tế quốc gia, cạnh tranh toàn cầu.
Đánh giá đô thị ven sông Hồng với điểm sáng phía Đông là tiềm năng lớn nhưng triển khai chậm. Tuy nhiên, ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ – cũng khuyến nghị, một khu đô thị sáng đèn mới là một khu vực thành công. Do đó, phát triển đô thị nhưng cần tránh lãng phí và cần đi kèm nhiều phân khúc.
“Quy hoạch phân khu của sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội và phải tổ chức triển khai ngay. Nhưng hiện nay mới dừng ở mức quy hoạch. Nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu. Cụ thể, hiện nay bãi Tứ Liên đã thành khu đô thị tự phát”, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ đồng thời cho rằng cần xác định lại quỹ đất hiện còn để quản lý và giữ lại để tránh thất thoát.
Theo đó, trên Quy hoạch phân khu được duyệt, cần xác định, hình thành các dự án và phân ra 3 loại cụ thể: bắt buộc đấu thầu; xã hội hóa; nhà nước và nhân dân cùng làm. “Phía Bắc, phía Đông vẫn còn dư địa phát triển, nhưng cần phải bắt tay vào thực hiện ngay quy hoạch để kiến tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến trong thời gian tới”, ông Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh.