Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” chiều 23/9.
Sức hút từ “đầu tàu” Thủ đô
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, vùng Thủ đô Hà Nội, với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng bậc nhất, là trung tâm của cả nước có thể nói là “đầu tàu” của thị trường bất động sản cả nước. Với "đầu tàu" này, sắp tới hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang rất kỳ vọng vào Đồ án QHPK đô thị sông Hồng được phê duyệt và ban hành.
"Với việc thành phố Hà Nội đang rất quyết tâm đẩy nhanh việc lập, phê duyệt QHPK đô thị sông Hồng, tôi tin rằng khi được công bố, quy hoạch này sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, để Hà Nội sẽ sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới" - ông Phòng bày tỏ.
Theo các chuyên gia, thành phố Hà Nội đang rất quyết tâm đẩy nhanh việc lập, phê duyệt QHPK đô thị sông Hồng |
Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, QHPK đô thị sông Hồng khi được phê duyệt sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.
“Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có một điều quan trọng là sông Hồng sẽ trở thành một trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô trong bố cục quy hoạch thành phố Hà Nội” – ông Chính nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chính, nhìn lại quá trình quy hoạch và phát triển của Thủ đô, chúng ta có thể thấy những hướng phát triển đúng đắn. Mặt khác, quy hoạch chung hiện tại cũng xác định sẽ có 2 đại lộ 6 làn xe chạy song song với 2 bờ sông Hồng ở bờ Bắc và bờ Nam, mỗi đại lộ 6 làn xe. Với điều kiện này đã nâng tầm hấp dẫn cho bất động sản ven bờ sông Hồng.
“Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng hiện tại xác định quỹ đất lên tới 11.000 ha, có thể nói là khối lượng rất lớn và sẽ là giải pháp giải quyết về quỹ đất xây dựng nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, vẫn cần có cơ chế đặc thù đặc biệt để thực hiện quy hoạch vì đó là bộ mặt của cả nước và được phê duyệt càng sớm càng tốt để đón nhận đầu tư. Chắc chắn, sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước" – ông Chính kỳ vọng.
Nhấn mạnh thêm về sự cấp thiết của quy hoạch, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chia sẻ, trong quá trình đô thị hóa, khu vực 2 dọc sông Hồng tình trạng xây dựng trái phép diễn ra phổ biến. Việc không có quy hoạch, phát triển tự phát, lộn xộn, ô nhiễm môi trường, rác thải đã khiến tất cả quay lưng lại phía sông Hồng.
Bên cạnh đó, bà Hương cho rằng, mặc dù đã có nhiều đề tài nghiên cứu triển khai cải tạo dân cư dọc sông Hồng hay nắn dòng chảy nhưng mới mang tính chất nhỏ lẻ, cục bộ, giải quyết một số vấn đề giao thông, dân cư chứ chưa toàn diện. Do đó, Quy hoạch phân khu đô sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý phục vụ quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch.
Đây cũng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô – sông Hồng sẽ là không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế, bà Hương cho biết và nhấn mạnh: "Quy hoạch sông Hồng rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Từ trước đến nay, Hà Nội đã triển khai rất nhiều các quy hoạch phân khu nhưng đến nay việc xây dựng hai bên sông Hồng vẫn bỏ ngỏ vì thiếu cơ sở pháp lý".
Phê duyệt dự án không thể chậm trễ
Để Hà Nội sớm trở thành thành thành phố ven sông đáng sống, theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cần phải sớm phê duyệt quy hoạch phân khu bởi còn rất nhiều bước phải triển khai sau đó thì mới hiện thực được.
"Hà Nội đã có rất nhiều dự án được đưa ra bàn bạc xem xét nhiều lần. Thậm chí là đưa vào thí điểm nhưng chưa thực hiện được. Mỗi lần chúng ta băn khoăn thì dự án đều bị dừng lại. Trong khi đó, số lượng dân ngoài bãi sông Hồng vẫn đang tăng lên khi chúng ta chờ sửa đổi quy hoạch, nguồn lực sẽ thu hẹp mỗi lần như vậy”, ông Chiến nêu vấn đề và khẳng định, các cơ quan trung ương và Hà Nội phải phối hợp để thực hiện nhanh việc phê duyệt quy hoạch này. Nếu hôm nay cứ chần chừ thì quỹ đất ngày mai có còn để thực hiện “giấc mơ” hay giấc mơ chỉ như là “giấc mơ”?
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, việc phê duyệt quy hoạch đã dừng lại với lý do “vướng dòn chảy”. Nhưng ông Chính cũng nhấn mạnh trong vài tháng tới Hà Nội phải phê duyệt dự án này không thể chậm trễ. Muộn nhất là đầu năm sau, bởi đây là mong mỏi của nhân dân thành phố, hiện thực giấc mơ của một thành phố trong sông.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, khi lấy ý kiến và xây dựng quy hoạch này, chúng ta đã có các căn cứ pháp lý về các Luật, quy định chuyên ngành của từng Bộ ngành như vấn đề lũ dòng chảy hàng trăm năm từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia từ Chính phủ, Hà Nội cũng đã qua nhiều cơ quan thẩm định mới ra được nội dung quy hoạch.
Về vấn đề này, ông Chiến cũng khẳng định, quy hoạch phù hợp Luật Đê điều, phù hợp Quyết định số 257/QĐ-TTg, đây là các căn cứ và cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, ông Chiến cũng đánh giá, cơ sở khoa cũng đã được nghiên cứu và đảm bảo.
"Tiếp theo, với mô hình tổ chức đã được tham khảo, cần ngồi lại xem xét với Bộ chuyên môn và đề xuất Chính phủ xem xét. Ngoài ra còn có vấn đề nguồn lực và sự đồng tình của người dân cũng là căn cứ thể hiện tính khả thi hay không khả thi của dự án. Khi thoả mãn các điều kiện này hoàn toàn có thể phê duyệt quy hoạch để có công cự pháp lý hình thành dự án và kêu gọi đầu tư”, ông Chiến nhấn mạnh.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cũng cho biết, kể từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành liên quan đến hoạt động xây dựng, nhà ở, đầu tư...
Hiện nay, các pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai đang được Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm và yêu cầu các bộ, ngành rà soát, phát hiện vướng mắc, khó khăn để gấp rút sửa đổi trong giao đoạn tới. Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản thời gian tới, nhất là trong việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các dự án.