Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh.
Tại báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, dự thảo lần này đã được điều chỉnh theo xu hướng tăng các nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo ông, việc điều chỉnh nguồn điện này đã hợp lý và phù hợp với bối cảnh thực tiễn?
Cần nhìn nhận một cách đầy đủ rằng, phát thải ròng không phải là trách nhiệm riêng của ngành năng lượng mà là trách nhiệm chung cả quốc gia. Hiện nay, theo tôi biết, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể liên quan đến vấn đề phân chia trách nhiệm giữa các bộ trong việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0. Nhưng trên cơ sở các số liệu kiểm kê khí nhà kính quốc gia đã được công bố thì ngành năng lượng vẫn là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, và hiển nhiên là ngành điện cũng có đóng góp một phần đáng kể trong tỷ trọng này.
Chuyên gia Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh |
Trên cơ sở các kịch bản trong các báo cáo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố về phát thải khí nhà kính thì các nguồn phát thải từ nguồn phát điện sẽ nằm trong khoảng 25-30% tổng phát thải của quốc gia. Có nghĩa là, kể cả trong trường hợp ngành điện đưa toàn bộ phát thải về 0 thì cũng chưa đáp ứng được cam kết phát thải ròng bằng 0, mà sẽ phải có sự tham gia của các ngành khác cũng như các địa phương trên cả nước trong nỗ lực chung này.
Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã được điều chỉnh phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0 hay chưa? Rõ ràng có thể thấy, bản dự thảo lần này đã được chỉnh sửa, cập nhập theo hướng giảm tỷ trọng của các nguồn nhiên liệu hoá thạch là nguồn chính gây phát thải khí nhà kính, thay thế một phần nguồn điện than bằng nguồn điện từ khí LNG với mức phát thải khí nhà kính thấp hơn, và tăng cường nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời. Các điều chỉnh này là phù hợp và đáp ứng cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26.
Nhiều ý kiến cho rằng, để chuyển dịch năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo (trong đó có điện mặt trời) trong hệ thống nguồn điện. Nhiều địa phương cũng đang đề xuất bổ sung thêm nguồn điện này vào quy hoạch. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Đánh giá một cách khách quan về những ưu và nhược điểm của điện mặt trời có thể thấy, điện mặt trời có những ưu điểm như vốn đầu tư ít, thời gian triển khai nhanh, có khả năng cắt các phụ tải đỉnh. Tuy nhiên, điện mặt trời lại bị giới hạn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết cũng như giờ phát rất hữu hạn. Đặc biệt, thời gian qua cho thấy, các dự án điện mặt trời quy mô lớn đã bộc lộ rất nhiều nhược điểm trong vận hành, hay như trong vấn đề sử dụng đất.
Với việc các địa phương cố gắng thúc đẩy bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch có lẽ chỉ mới nhìn vào việc thu hút vốn đầu tư, mà chưa xem xét tới yếu tố tổng hoà về vấn đề cân bằng phụ tải của khu vực, vùng miền và toàn quốc, cũng như huy động các nguồn hỗ trợ để bù đắp trong trường hợp có sự cố, hoặc có vấn đề liên quan đến nguồn điện này. Do đó, trong vấn đề quy hoạch điện cần xác định rõ, việc đưa từng nguồn bao nhiêu vào cơ cấu, đầu tiên phải phụ thuộc vào nhu cầu phụ tải của từng địa phương, từng vùng.
Bên cạnh đó, nếu tạo điều kiện tối đa cho khối tư nhân và giảm tối đa sự can thiệp của Nhà nước trong đầu tư thì sẽ có những rủi ro nhất định về đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đảm bảo chi phí điện năng không tăng cao quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế.
Đây là những thách thức rất lớn, bắt buộc phải có sự can thiệp của Nhà nước trong vấn đề kiểm soát, điều tiết, đảm bảo về giá cả, chi phí phù hợp, tránh gây những bất ổn đối với xã hội. Theo đó, không thể mở toang theo cách “phi kế hoạch” để các nhà đầu tư ồ ạt vào làm dự án điện bất kể lợi hại, rồi gây ra sự “dư thừa” trong đầu tư, lãng phí trong xã hội.
Cần nhắc lại nhiều năm trước đây, chúng ta đã từng có những khủng hoảng thừa do “lạm phát" các dự án đường, bia, xi măng, hay gần đây là việc một loạt các tỉnh xin xây sân bay… với rủi ro gây lãng phí nguồn vốn đầu tư xã hội khi có những nhà máy xây xong bỏ đó không thể vận hành được do công nghệ lạc hậu hoặc chi phí đầu ra không đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Vì vậy, nếu không có quy hoạch tốt, chúng ta sẽ phải đối mặt với bài toán như có quá nhiều dự án ở các tỉnh rồi cuối cùng lại phải “giải cứu” cho điện.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng tối ưu hiệu quả của điện mặt trời nên lựa chọn giải pháp sử dụng pin lưu trữ tích điện phát vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp này giá thành sẽ tăng gấp 3-4 lần. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của giải pháp này?
Chúng ta có thể thấy, hiện nay khi tỷ trọng của điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời còn thấp, toàn bộ hệ thống điện Việt Nam đóng vai trò như một pin lưu trữ khổng lồ. Vì nhu cầu điện của nền kinh tế cao nhất không phải chỉ vào lúc có mặt trời mà còn đạt đỉnh trong khoảng thời gian 6h-10h tối, nên nếu không có các nguồn điện khác để huy động như thủy điện, nhiệt điện thì lúc đó không thể đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Quy hoạch Điện VIII đã được điều chỉnh theo xu hướng phù hợp và đáp ứng cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26. |
Bên cạnh đó, trong trường hợp tỷ trọng điện tái tạo, cụ thể là điện mặt trời quá cao, sự lưu trữ của hệ thống đối với các nguồn có thể huy động lại không đủ bù đắp cho sự thiếu hụt của nguồn này, lúc này buộc phải nhìn nhận về vấn đề pin lưu trữ.
Tuy nhiên, nếu thực hiện giải pháp này không chỉ công suất khả dụng bị giảm đi vì phải dùng để sạc cho hệ thống pin lưu trữ mà chi phí đầu tư vào pin lưu trữ sẽ làm tăng tổng đầu tư của cả dự án. Đây cũng là yếu tố làm đội giá rất cao trong đầu tư. Và sau đó, nhà đầu tư khi muốn hoàn vốn cho toàn bộ hệ thống thì đòi hỏi giá điện phải bán cao hơn và không thể áp dụng giá bán hiện thời.
Đồng thời, trong quá trình vận hành pin lưu trữ cũng có rất nhiều phức tạp, cụ thể có những rủi ro như dễ cháy nổ; đồng thời phát sinh những vấn đề môi trường. Vì đối với pin lưu trữ nếu chất lượng không cao thì có thể chỉ khoảng 3-5 năm đã phải thay thế và trở thành rác thải nguy hại. Còn nếu lựa chọn pin lưu trữ với hiệu suất, điện năng, tuổi đời cao thì chi phí đầu tư lại rất lớn.
Trong điều kiện hiện nay, với sự yếu kém của hạ tầng truyền tải điện thì pin lưu trữ là một giải pháp có thể xem xét trong phạm vi khoảng 5 năm hoặc 10 năm và sau đó sẽ cần có những giải pháp tiếp theo cho loại hình này. Về vấn đề này, cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết, cụ thể và theo đó, Quy hoạch Điện VIII cũng cần giải quyết bài toán này một cách rõ ràng hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!