Tuy nhiên, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang phải giải nhiều bài toán khó. Với tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết.
3 kịch bản tăng trưởng
Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch Điện VIII được xây dựng trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các mục tiêu và kịch bản phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đề ra tại Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; và nhiều nghị quyết, chiến lược khác của Chỉnh phủ liên quan đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và năng lượng nói riêng.
Cùng với đó, cơ sở dữ liệu về phát triển kinh tế - năng lượng của 30 năm quá khứ (1990- 2020) của toàn quốc và từng miền (gồm có tốc độ tăng trưởng GDP theo các ngành kinh tế, dân số, thu nhập bình quân GDP/đầu người, tỉ lệ điện khí hóa, giá điện bình quân, mức tiết kiệm năng lượng… và các kịch bản tăng trưởng GDP toàn quốc giai đoạn đến năm 2045 để làm cơ sở để nghiên cứu, dự báo phụ tải.
Như vậy, sẽ có 3 phương án phụ tải gồm phụ tải thấp, phụ tải cơ sở (tương ứng với kịch bản tăng trưởng kinh tế trung bình) và phương án phụ tải cao (tương ứng với kịch bản tăng trưởng kinh tế cao).
Theo Bộ Công Thương, kịch bản phụ tải cơ sở phù hợp với bối cảnh phát triển trong nước, có xét đến mức tăng thu nhập đầu người và bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ thương mại; phục vụ phát triển theo hướng công nghiệp hóa (kinh nghiệm từ các nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức…) đến năm 2045; kịch bản phụ tải cơ sở có hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,24 lần giai đoạn 2026 - 2030 và giảm dần xuống 0,46 lần giai đoạn 2041 - 2045. Phản ánh xu hướng chuyển dịch tiêu thụ điện giữa miền Nam và miền Bắc. Miền Nam giảm tỉ trọng tiêu thụ điện từ 47,4% năm 2020 xuống 43,6% năm 2045; miền Bắc tăng tỉ trọng tiêu thụ điện từ 42,4% năm 2020 lên 45,8% vào năm 2045.
Quy hoạch điện VIII được xây dựng với nguyên tắc không để thiếu điện trong mọi trường hợp |
Các định hướng tối ưu
Trên cơ sở dự báo phụ tải, và các cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050, trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đã bám sát một số nguyên tắc xây dựng và phát triển nguồn điện và lưới điện mới.
Theo đó, các nguồn điện mới được xây dựng đảm bảo tính kế thừa, cân đối vùng miền; đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong mọi trường hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện cân đối lớn của nền kinh tế; bám sát các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, chương trình hành động, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp đối với việc phát triển ngành điện xanh, bền vững; xây dựng ngành điện độc lập, tự chủ, khai thác và sử dụng triệt để các nguồn lực năng lượng trong nước (năng lượng tái tạo, khí tự nhiên nội địa…, hạn chế tối đa sự phụ thuộc và nước ngoài); sử dụng các phân tích, dự báo tình hình trong nước, ngoài nước tác động tới phát triển ngành năng lượng, ngành điện trong thời gian tới; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2. Không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; xem xét chuyển đổi một số nguồn điện sử dụng nhiên liệu than sang LNG; khuyến khích phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, các loại hình thủy điện tích năng, điện sinh khối, pin lưu trữ,…
Theo Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hội nghị thống nhất cơ bản về dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW với cơ cấu các loại nguồn điện như báo cáo của Bộ Công Thương. Quy mô này đáp ứng đầy đủ nhu cầu công suất phụ tải điện cực đại dự báo đến năm 2030 vào khoảng 93.300 MW, có mức độ dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền. Kết quả này thể hiện rõ sự hợp lý hơn, ưu việt hơn so với phương án Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 năm 2021, trong đó, dự kiến tổng công suất nguồn điện giảm khoảng 35.000 MW, khối lượng đường dây 500, 220kV giảm khoảng 2.000 km; qua đó giảm nhu cầu vốn đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn 2021-2030.
Quy hoạch điện VIII sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng xanh (Ảnh minh họa) |
Truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc (liên miền) sẽ tăng dần từ giai đoạn 2030 trở đi với sản lượng truyền tải tăng từ 21 tỷ kWh vào năm 2035 tới 40 tỷ kWh vào năm 2040 và khoảng 52 tỷ kWh vào năm 2045. Vì vậy, cần xem xét xây dựng 15 đường dây truyền tải một chiều HVDC từ miền Trung - miền Bắc và từ miền Nam ra miền Bắc từ sau năm 2035.
Về lưới điện, với phương án phụ tải cao trong giai đoạn 2021-2030 cần xây dựng khoảng 5.200km đường dây truyền tải một chiều HVDC và các trạm chuyển đổi (converter). Xây mới các trạm biến áp 500kV. Cùng với đó cần xây dựng mới 16.134km (giai đoạn 2021-2030) đường dây 220kV; giai đoạn 2031-2045 tương ứng là 9.844km đường dây 220kV và 86.625 MVA
Ở mỗi phương án, Bộ Công Thương cũng đánh giá, phân tích các ưu điểm, nhược điểm cho từng loại nguồn điện một cách cụ thể liên quan đến nguồn vốn, yếu tố khoa học công nghệ, môi trường, phát thải CO2, chuyển dịch năng lượng…
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho rằng, Quy hoạch điện VIII chắc chắn sẽ tốt hơn các quy hoạch trước. Trong đó điểm nhấn có việc ưu tiên phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ xác định rõ việc “phát triển đầy đủ cân đối và bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh”.
Đánh giá về những ưu điểm của dự thảo, Chuyên gia Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh khẳng định: Rõ ràng có thể thấy, bản dự thảo lần này đã được chỉnh sửa, cập nhập theo hướng giảm tỷ trọng của các nguồn nhiên liệu hoá thạch là nguồn chính gây phát thải khí nhà kính, thay thế một phần nguồn điện than bằng nguồn điện từ khí LNG với mức phát thải khí nhà kính thấp hơn, và tăng cường nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời. Các điều chỉnh này là phù hợp và đáp ứng cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26.
Nhiều chuyên gia cho rằng, về mặt tổng thể, Quy hoạch Điện VIII đã đưa ra giải pháp điều hành Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, trong đó xây dựng và áp dụng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với các chủ đầu tư, các Bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương. Đặc biệt, khắc phục được những tồn tại trong Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh; có cơ chế để điều chỉnh tiến độ các dự án điện, thay thế chủ đầu tư khi để dự án chậm tiến độ.
Từ những nỗ lực của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ban ngành, địa phương, nhiều chuyên gia kỳ vọng, Quy hoạch Điện VIII sẽ sớm được phê duyệt với đầy đủ các công cụ sẽ là cơ sở để triển khai đầu tư phát triển điện lực, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong phân tích khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương Điện tử: Là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch điện VIII được coi là đáp án tối ưu cho bài toán không dễ giải đáp ứng các yêu cầu tổng hợp về sự tuân thủ các quy định tại Luật Quy hoạch, Luật Điện lực.. Quy hoạch điện VIII cũng được kỳ vọng mở ra những cơ hội thu hút đầu tư mới từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, nhất là các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án năng lượng điện tái tạo, từ điện gia đình, áp mái, đến các trang trại điện gió, điện mặt trời quy mô lớn trên biển và đất liền. Quy hoạch điện VIII còn khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu truyền tải điện, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện nguyên tử; tham gia hội nhập và mua bán điện với các nước trong khu vực, góp phần từng bước tiến tới đồng bộ và phát triển đầy đủ các thể chế kinh tế thị trường ở nước ta. Từ đó, cho phép nâng cao hơn nữa vai trò của Nhà nước trong điều tiết và vận hành thị trường điện ngày càng hiệu quả, hướng đến đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân và bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ của Nhà nước trong cung ứng sản phẩm “đặc biệt” này. |