Trong không khí cùng người dân cả nước kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9, người dân ở các đảo thuộc miền cực Nam của tổ quốc cũng tưng bừng cờ hoa và những lễ hội. Cuộc sống của cư dân trên các đảo thuộc tỉnh Kiên Giang bây giờ đổi thay mạnh mẽ nhờ nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai, trong đó có sự đầu tư của các dự án về điện.
Ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang - cho biết, từ năm 2014 đến nay, ngành điện lực miền Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nhiều dự án kéo đường dây điện lưới quốc gia từ đất liền ra các đảo của tỉnh Kiên Giang. Khi có điện lưới quốc gia đã khơi dậy tiềm năng kinh tế, giúp cuộc sống của cư dân trên các đảo ngày càng làm ăn khấm khá đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang |
Phó Giám đốc Điện lực Rạch Giá - ông Lâm Trần Trọng Hiếu - cho biết, đến nay ngành điện đã đưa điện lưới quốc gia ra đảo Hòn Tre và đảo Lại Sơn thuộc huyện Kiên Hải, phục vụ cho gần 3.500 hộ dân sinh sống tại đây. Tính từ năm 2016 đến nay, theo ông Hiếu, sản lượng điện cung cấp cho xã Hòn Tre và Lại Sơn mỗi năm tăng bình quân 30%, do nhu cầu sinh hoạt, phục vụ các dịch vụ về du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp không ngừng tăng trưởng.
Bốn năm về trước, xã đảo Lại Sơn của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang là một vùng đất nghèo, chưa có điện lưới quốc gia. Năm 2016, dự án kéo điện từ cảng Xẻo Nhàu ra đảo Lại Sơn hoàn thành đã làm cuộc sống của người dân không ngừng đổi thay. Tại xã đảo Lại Sơn hiện nay, đường xá được bê tông hóa rộng rãi, nhiều nhà nghỉ, khách sạn mới mọc lên, quán xá chen chúc nhau phục vụ khá đông du khách từ đất liền đến tham quan, tắm biển.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn - thông tin, từ khi có điện lưới quốc gia, cơ sở hạ tầng của xã có nhiều thay đổi, các dịch vụ du lịch, thương mại, công nghiệp, nghề cá phát triển qua từng năm.
Cụ thể, xã Lại Sơn hiện đã tăng thêm 27 nhà nghỉ với 316 phòng, 45 quán ăn, 2 cơ sở sản xuất nước đá, 2 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nhiều cơ sở cơ khí mở rộng quy mô hoạt động. Từ khi có điện, ngoài phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, mạng Internet thông suốt, việc dạy học ở trường lớp, khả năng tiếp cận thông tin của người dân sinh sống trên đảo thuận tiện không thua kém người dân trong đất liền.
Chị Phạm Bích Trâm - chủ nhà nghỉ Nhã Kỳ, tại ấp Bãi Nhà A, xã Lại Sơn - chia sẻ, từ khi có điện lưới quốc gia, chị mở rộng thêm 10 phòng nghỉ, nâng lên thành 22 phòng, các phòng đều gắn máy lạnh, tủ lạnh, tivi, bình tắm nước nóng và đón khách du lịch được nhiều hơn. Nhờ dùng điện lưới, mỗi tháng chỉ tốn tiền điện 6 - 7 triệu đồng, giảm khoảng 40% tiền điện so với dùng máy phát điện như trước.
Lãnh đạo ngành điện lực miền Nam thị sát một công trình kéo điện ra đảo ở tỉnh Kiên Giang |
Cư dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hầu hết đều nhớ như in nỗi mừng vui khi Dự án cáp ngầm xuyên biển 110KV Hà Tiên - Phú Quốc đóng điện. Ông Nguyễn Văn Nam, ngụ khu phố 4, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc nhớ lại, thời điểm dân Phú Quốc xài điện lưới quốc gia đúng vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán năm 2014, nhà nào nhà nấy vỡ òa niềm vui vì đã kết thúc “cuộc sống đèn dầu" sau bao năm và đón đợi những đổi thay về tiện nghi khi có điện lưới quốc gia. Ông Nam cho biết, từ khi có điện lưới đến nay, cuộc sống của người dân Phú Quốc hầu như không thua kém đất liền vì tốc độ phát triển rất nhanh.
Đồng cảm xúc như bao người dân Phú Quốc, ông Lê Văn Bảy, ngụ xã Gành Dầu chia sẻ, trước đây dân Phú Quốc xài điện từ máy phát với giá điện bình quân 25.000 đồng/kWh, điện cũng chỉ để thắp sáng hoặc một vài mục đích cần thiết khác trong gia đình nhưng chịu không xiết vì giá quá đắt. Khi xài điện lưới, hầu như không còn ai băn khoăn với khoản xài điện, chỉ lo tập trung dùng điện sao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát huy hiệu quả.
Cư dân đảo xa ở miền cực Nam của tổ quốc mua sắm đồ dùng sinh hoạt khi có điện lưới quốc gia |
Theo ông Hứa Thanh Nhàn, sản lượng điện thương phẩm tại Phú Quốc năm 2014 đạt 87,3 triệu kWh, năm 2019 đã tăng lên 492,25 triệu kWh, mức phụ tải sử dụng điện tăng trưởng liên tục bình quân hơn 50%/năm, và theo tính toán, năm 2020 nhu cầu về điện của Phú Quốc có thể tăng công suất hơn 250MW. Tuy nhiên, do tuyến cáp ngầm 110kV hiện nay công suất truyền tải tối đa 131MW, không thể đáp ứng đủ nhu cầu điện cho Phú Quốc trong giai đoạn từ năm 2020 trở đi, vì tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 dự báo sẽ tăng bình quân 30%/năm.
Đề đảm bảo cấp điện cho đảo Phú Quốc, ông Nhàn cho biết, tháng 3/2020, Tổng công ty Điện lực miềm Nam đã triển khai xây dựng Dự án Đường điện 220kV Kiên Bình - Phú Quốc, hiện công trình đã hoàn thành 90%, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Đây là dự án điện quan trọng của ngành điện lực miền Nam, khi dự án hoàn thành sẽ là động lực giúp huyện đảo Phú Quốc phát triển.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - nhìn nhận, từ khi có dòng điện lưới quốc gia, Phú Quốc đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thu hút hơn 200 dự án đầu tư lớn, đưa Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng. Điện lưới quốc gia cũng đã giúp cư dân trên đảo phát triển kinh tế gia đình từ trồng trọt, chăn nuôi, đến đánh bắt thủy hải sản…