Hải Phòng: Vì sao cần thiết phải thành lập mới khu kinh tế ven biển phía Nam? Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả |
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh có 5 khu kinh tế, bao gồm 2 khu kinh tế ven biển (Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Quảng Yên) và 3 khu kinh tế cửa khẩu (Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh), với tổng diện tích đất quy hoạch 375.171ha, thuộc các địa phương Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Hải Hà, Bình Liêu, Móng Cái.
Trong đó, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng. Hai khu kinh tế còn lại đang được triển khai lập quy hoạch chung xây dựng. Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng, các khu kinh tế đã được tỉnh triển khai đầu tư, lập các quy hoạch phân khu, làm căn cứ thu hút, mời gọi nhà đầu tư.
Ngày 18/12/2020, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức công bố các quy hoạch phân khu thuộc KKT Vân Đồn |
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có xác định, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là 2 mũi đột phá phát triển của tỉnh. Từ đó, hai khu kinh tế này đã được tỉnh áp dụng hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/NĐ-CP (ngày 3/4/2017), Điều 15, 16 Nghị định số 218/NĐ-CP (ngày 26/12/2013) của Chính phủ. Đồng thời, được Trung ương, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xúc tiến đầu tư.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng, đến nay Khu kinh tế Vân Đồn đã có 12 quy hoạch phân khu được lập. Trong đó, có 9/12 đồ án quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, với tổng diện tích trên 27.000ha, làm căn cứ thu hút đầu tư. Theo đó, các đồ án này đã bám sát định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp. Đồng thời, là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Khu kinh tế Vân Đồn đã huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối, tạo ra những giá trị khác biệt, nổi trội. Đến nay, Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút được 64 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư gần 63.000 tỷ đồng (61 dự án vốn đầu tư trong nước, 3 dự án vốn đầu tư nước ngoài). Chỉ tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút thêm được trên 37.400 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, tương đương 146,6% tổng số vốn đã thu hút trong giai đoạn trước.
Có thể thấy, từ một huyện đảo có hạ tầng kỹ thuật, nền kinh tế vào diện thấp kém, đến nay Vân Đồn đã hiện hữu những công trình, dự án giao thông trên bộ, trên biển, hàng không đẳng cấp khu vực và thế giới như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên... Đồng thời, huyện đảo Vân Đồn đang từng bước hình thành nên những khu đô thị, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như: Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City, Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải, Khu đô thị và bến cảng cao cấp Ao Tiên, Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Khu đô thị Phương Đông.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư một loạt các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ khác, với số vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng tại Vân Đồn như: Khu du lịch nghỉ dưỡng White Pearl; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn; Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; Khu tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ giải trí Vân Đồn…
Bến cảng cao cấp Ao Tiên trên địa bàn huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) |
Bên cạnh những con số ấn tượng trên tại Khu kinh tế Vân Đồn, các khu kinh tế còn lại của tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư đến tìm hiểu nghiên cứu, triển khai đầu tư, với những dự án động lực, trọng điểm, hướng đến phát triển trở thành vùng động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, tỉnh đang tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn cụ thể để hoạch định phát triển các khu kinh tế theo quy hoạch. Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ hướng tới trở thành khu thương mại trọng điểm hiện đại cấp quốc gia, trung tâm logistics, khu công nghiệp công nghệ cao và kinh tế đêm; Khu kinh tế Vân Đồn phát triển tổ hợp du lịch - dịch vụ - đô thị biển đảo - công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế, công nghiệp công nghệ cao trong tổ hợp du lịch quốc gia tầm quốc tế Hạ Long - Bái Tử Long - Lan Hạ, Cát Bà; Khu kinh tế Quảng Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn hạt nhân và động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây tỉnh Quảng Ninh và là trung tâm công nghiệp công nghệ cao - đô thị hiện đại, liên kết chuỗi công nghiệp hỗ trợ với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và cảng Hải Phòng (TP. Hải Phòng).