Tỉnh Quảng Ninh: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Bắt đầu từ chính sách
Với mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, trong hơn một thập kỷ qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành và triển khai hàng loạt giải pháp ngắn và dài hạn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển sạch. Điều này đã được thể hiện một cách rõ nét trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh. Đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh do tư vấn Hoa Kỳ lập; Quy hoạch môi trường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tư vấn Nhật Bản lập.
Tại Nghị quyết 236/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 12/12/2015 về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy chuẩn địa phương phù hợp với điều kiện, đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác quản lý môi trường tập trung vào 7 nhiệm vụ: Quản lý môi trường nước; quản lý chất lượng không khí; quản lý chất thải rắn; quản lý rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu và giám sát môi trường.
Tàu thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long |
Theo đó, hằng năm, tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho môi trường để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ đã đặt ra. Cụ thể: năm 2018 chi trên 651 tỷ đồng (đạt 5,6%); năm 2019 chi gần 800 tỷ đồng (đạt 3%), tập trung chủ yếu cho các nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải, nạo vét cống rãnh, vệ sinh môi trường và triển khai các nhiệm vụ, dự án, đề tài về môi trường.
Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng khẳng định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 236 của HĐND tỉnh, công tác quản lý bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Môi trường trên địa bàn tỉnh nhìn chung được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát… Các phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp.
Quảng Ninh cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị khai thác than có hoạt động trên địa bàn đảm bảo kinh phí cho bảo vệ môi trường. Tính riêng đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hằng năm là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó 50% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 50% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên. Từ năm 2017 đến hết năm 2020, các đơn vị khai thác than đã triển khai Đề án đảm bảo môi trường ngành Than với tổng kinh phí thực hiện gần 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TKV còn thực hiện bổ sung 12 hạng mục, công trình ngoài đề án với tổng kinh phí trên 127 tỷ đồng.
Hệ thống xử lý nước thải mỏ được TKV đầu tư nhằm xanh hóa trong sản xuất |
Ông Phạm Duy Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh - cho biết: “Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ di chuyển hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị vào Cụm công nghiệp ở các địa phương. Đến nay Quảng Ninh đã có 4/5 Cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động”.
“Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã kiên quyết từ chối đầu tư những dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với những nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường; thực hiện đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải; tiến hành xử lý xong 12 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Đồng thời, tỉnh cũng có chủ trương di dời 2 dự án xi măng Hạ Long 2 và Thăng Long 2 sang địa điểm mới để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, bảo vệ môi trường cho khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long”, ông Phạm Duy Thanh chia sẻ.
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần XIV, nhiệm kỳ 2015-2020, như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53-54%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 92%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%. Các thông số quan trắc môi trường cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép.
Huy động nguồn lực cho phát triển sạch
Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nhà hoạch định chiến lược chính sách quốc gia, các chuyên gia nghiên cứu kinh tế đánh giá có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ngày càng bền vững hơn.
Minh chứng rõ ràng nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm công nghiệp khai thác, công nghiệp nặng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên hữu hạn sang công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch. Hiện tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP đã giảm từ 21,3% (năm 2015), xuống còn 17,3% (năm 2020). Điều này cho thấy, đóng góp vào thu nội địa của ngành Than mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn, song có xu hướng giảm dần.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (100% vốn Hàn Quốc), đặt tại Khu Công nghiệp Đông Mai (TP Uông Bí) - cho biết: Quảng Ninh là một tỉnh rất quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường, tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư công nghệ cao, ít phát thải và ít tác động đến môi trường. Trong quá trình đầu tư xây dựng, công ty chúng tôi cũng phải đảm bảo tỷ lệ cây xanh nhằm tạo không gian xanh trong khuôn viên nhà máy theo đúng cam kết với địa phương. Đồng thời, công ty cũng đã dừng hoạt động của xưởng đúc – lĩnh vực được xem là có nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nhằm ủng hộ chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh trong mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.
Hệ thống xử lý khí thải sơn của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina tại KCN Đông Mai, TP Uông Bí |
Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn còn nhiều việc phải làm trong công tác bảo vệ môi trường bền vững. Đó là sự suy giảm chất lượng nước biển ven bờ nhất là khu vực Bãi Cháy (TP. Hạ Long) và TP. Cẩm Phả. Điển hình là vấn đề ô nhiễm dinh dưỡng tại các khu vực gần cống xả của khu dân cư, chợ; ô nhiễm dầu tại các bến cảng, vùng ven bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; sự suy giảm đa dạng sinh học vùng vịnh Hạ Long với tình trạng báo động việc mất hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn…
Ông Phạm Quang Vinh - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Hiện chúng tôi đã xây dựng các nhóm giải pháp để triển khai theo đúng Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó sẽ thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường của những nước phát triển như các nước châu Âu, Nhật Bản; xúc tiến các hoạt động giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường; tiếp tục vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động nhằm cung cấp thông tin để phục vụ công tác quản lý nhà nước; các CCN, KCN bắt buộc phải đầu tư công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa vào vận hành…
Những giải pháp đồng bộ như trên sẽ tiếp tục là nền tảng để kinh tế phát triển bền vững, từ đó tạo thế và lực cho Quảng Ninh trong hành trình thực hiện những đột phá phát triển mới.
Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nhà hoạch định chiến lược chính sách quốc gia, các chuyên gia nghiên cứu kinh tế đánh giá có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ngày càng bền vững hơn. |
Bài 2: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế