Tỉnh Quảng Ninh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển Khám phá tọa độ “sống ảo” mới nổi, đồi cỏ cháy cách Hà Nội 135km |
Quảng Ninh là tỉnh biên giới, hải đảo nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 6.206,9km2, trong đó 93,85% là đất liền (trong đó trên 80% là đồi núi); 6,15% là diện tích các xã đảo. Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính gồm 4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện với 177 xã, phường, thị trấn và 1.452 thôn, bản, khu phố. Tổng dân số trên địa bàn tỉnh là khoảng hơn 1,3 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số là hơn 160 nghìn người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, với 42 thành phần dân tộc anh em, cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về Quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất của cả nước có biên giới trên bộ (118,825km) và trên biển (191km) giáp với Trung Quốc, có 3 huyện, thành phố biên giới, 2 huyện đảo, 16 xã, phường, thị trấn biên giới đất liền, 11 xã đảo.
Những năm qua các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hảo đảo ở tỉnh Quảng Ninh được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai. Hàng loạt nghị quyết, chính sách phát triển khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả rõ nét.
Điển hình, nghị quyết về phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020...
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ninh thay đổi tích cực |
Quảng Ninh có 64 xã, thị trấn và 47 thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Tháng 5/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với đảm bảo vững chắc Quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (Nghị quyết 06). Qua triển khai thực hiện nghị quyết, việc đầu tư toàn diện cho các xã khu vực này tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh.
Theo đó, UBND tỉnh và các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 cho cả 3 chương trình: Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với Nghị quyết 06.
Cùng với đó, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 06, trong đó tập trung cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh tế trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ nhà ở; thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, miền núi; phát triển thương mại biên giới, chợ nông thôn miền núi; chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh; chính sách thu hút bác sĩ công tác tại vùng dân tộc thiểu số; chính sách tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ dân tộc thiểu số; trợ giúp pháp lý tại địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo...
Cũng từ những chính sách này, diện mạo khu vực, cũng như đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ninh đã ngày càng thay đổi tích cực, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày được nâng cao. Đơn cử, Quảng Đức là xã miền núi, biên giới, vùng dân tộc. Người dân nơi đây phát triển kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Những chính sách của tỉnh, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp đời sống của nhân dân trên địa bàn xã có sự thay đổi tích cực. Bà con cũng đồng lòng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, xã duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trong thời gian tới, bên cạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp sức trong việc giảm nghèo, cải tạo cảnh quan môi trường, giữ vững và duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có giải pháp thực hiện đối với các tiêu chí chưa đạt, tập trung hoàn thành sản phẩm OCOP (mật ong) đưa ra thị trường trong và ngoài huyện.
Với nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều mục tiêu mà Nghị quyết 06 đề ra bước đầu đã thu hái những thành quả nhất định. Tính đến hết năm 2021, thu nhập bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 52,5 triệu đồng/người, tăng 2 lần so với năm 2020. Số hộ dân tộc thiểu số nghèo hiện chỉ còn 952 hộ (theo tiêu chí mới), chiếm 2,75% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến hết năm 2021, đã có 6/12 thôn, bản của tỉnh đạt tiêu chí ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (tiêu chí mới) theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, dự kiến hết năm 2022, 6 thôn còn lại của tỉnh sẽ đạt tiêu chí ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Tính đến tháng 6/2022, tỉnh Quảng Ninh duy trì ổn định 99,86% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn từ các nguồn, 92,7% rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện 177/177 đơn vị cấp xã và 13/13 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Các xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số có Bảo hiểm y tế... Hiện cả 64 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.