Ông Vũ Thành Long - Trưởng Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh - cho biết, trong 111 xã trên địa bàn triển khai Chương trình Xây dựng NTM, có tới 92 xã miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế- xã hội, đời sống khó khăn.
Hơn nữa, Quảng Ninh lại có đặc thù, trong số 92 xã thuộc diện miền núi, dân tộc, biên giới, hải đảo, có 17 xã và 54 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Nếu tính cả số thôn trong 17 xã, thì cả tỉnh có 208 thôn ĐBKK, điều kiện tập tục sản xuất hết sức thấp kém, thu nhập bình quân đầu người rất thấp (năm 2010 chỉ mới 10,98 triệu đồng/người/năm)…
Mặc dù với đặc thù và xuất phát điểm thấp như vậy, nhưng sau gần 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu, về đích trước 1 năm so với yêu cầu đặt ra, với nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với bình quân chung cả nước. Theo đó, có 3 đơn vị cấp huyện (Thị xã Đông Triều, TP. Cẩm Phả và huyện đảo Cô Tô) đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm 2019, có ít nhất 90 xã đạt chuẩn NTM bằng 81,1% (bình quân cả nước là 50,26%). Số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí (bình quân cả nước: 15,26 tiêu chí (cao hơn gần 3 tiêu chí). Thu nhập của người dân khu vực nông thôn dự kiến cuối năm 2019 đạt 41,1 triệu đồng/người/năm (tăng 30,12 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 1% (so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là 4,5%).
Những giải pháp đột phá
Có thể nói trong xây dựng NTM, Quảng Ninh có nhiều giải pháp tạo đột phá về sản xuất và thu nhập từ những chương trình sáng tạo khác biệt. Trước hết, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với những cách làm sáng tạo riêng biệt. Từ thành công Chương trình OCOP Quảng Ninh, Chính phủ đã quyết định nhân rộng OCOP thành chương trình quốc gia.
Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, Quảng Ninh thực hiện đồng thời rất nhiều giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhưng Chương trình OCOP, được xác định là chương trình đột phá để thực hiện tiêu chí sản xuất và thu nhập. Thực tế, kết quả thu nhập hiện tại đạt trên 41 triệu đồng, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm đầu xây dựng NTM.
Điều riêng biệt khác nữa, là Quảng Ninh đã xây dựng đề án riêng (gọi tắt là Đề án 196) đặt mục tiêu xóa các xã và thôn bản khỏi diện ĐBKK vào năm 2020. Tuy nhiên, với việc triển khai các giải đồng bộ và sáng tạo, Quảng Ninh đang quyết tâm đưa toàn bộ các xã và các thôn ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 trong năm 2019.
Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng NTM vừa diễn ra mới đây tại TP. Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết, mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3 - 5% trong GRDP của tỉnh, nhưng Quảng Ninh vẫn luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh- NguyễnVănThắng: Quảng Ninh xác định, các tiêu chí nông thôn mới phải không ngừng được đổi mới về giải pháp để nâng cao về chất và bảo đảm bền vững. |