Quảng Ninh: Phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế vượt trội để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics Tỉnh Quảng Ninh điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu ấn tượng. GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016-2022; trong đó năm 2022 đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: VGP) |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn cần giải quyết như: Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" sẽ ngày càng thách thức hơn; huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư có dấu hiệu chững lại; bất cập giữa khai thác than và phát triển du lịch đặt ra những vấn đề về vệ sinh, môi trường cần giải quyết; tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng giữa các địa bàn còn chưa đồng đều; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm được cải thiện; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai... có mặt còn hạn chế, cần phải sớm xử lý dứt điểm.
Kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình "một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực"
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, kết luận nêu rõ, bám sát, thực hiện hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4/2022; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023.
Quản lý môi trường sạch đẹp, xây dựng xã hội văn minh, văn hóa phát triển. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Có giải pháp vận động, nâng cao ý thức của người dân, huy động toàn dân vào cuộc với nòng cốt là thanh niên và lực lượng vũ trang để phong trào bảo vệ môi trường sống động, thường xuyên, liên tục; xây dựng thương hiệu Quảng Ninh "giàu có, sạch đẹp".
Kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình "một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực", khai thác tối đa các hành lang giao thông, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tiềm năng, khác biệt, lợi thế cạnh trạnh của Tỉnh.
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; tuyến đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang; tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả kết nối với Vân Đồn; hạ tầng cửa khẩu, biển giới…
Thủ tướng lưu ý cần đẩy nhanh, tăng quy mô việc đầu tư cảng Vạn Ninh Móng Cái bằng hình thức đối tác công tư (PPP); khẩn trương xây dựng tuyến chuyển hàng (cargo) giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tỉnh Lạng Sơn triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 4B để tăng cường kết nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, kết nối Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng và kết nối nội vùng Đông Bắc - Tây Bắc; đồng thời trình cấp có thẩm quyền xem xét khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại trong tháng 3/2023.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, ngân hàng, tài chính…
Giao Bộ Tài chính chỉ đạo và phối hợp thực hiện, phấn đấu để tỉnh Quảng đi đầu trong triển khai thu thuế điện tử, hóa đơn điện tử, trong đó lưu ý thu đúng, thu đủ thuế, phí, lệ phí theo quy định đối với các loại hình dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ bán lẻ, siêu thị và ăn uống, lưu trú trên biển…
Hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới
Tỉnh Quảng Ninh chú trọng việc quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, bảo đảm văn minh, sạch đẹp, trang trọng; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2023.
Giao tỉnh Quảng Ninh chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các Bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai các công việc để hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hoàn thành trong quý II/2023.
Phát huy các kinh nghiệm đã có, tăng cường huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua các hình thức hợp tác công tư, trong đó có hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT) và hình thức BOT. Tăng cường đầu tư, quan tâm phát triển khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo; giảm gia tăng khoảng cách xã hội, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền.
Xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh tập trung đầu tư cho nguồn lực con người, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục các vùng hải đảo, miền núi; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức sơ kết, đánh giá mô hình Trường Đại học Hạ Long và có kế hoạch nâng cấp, phát triển thành trường đại học tầm cỡ khu vực, bảo đảm theo quy hoạch; chú trọng đào tạo các ngành công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển Cơ sở Quảng Ninh của Trường Đại học Ngoại thương thành phân hiệu của Trường Đại học Ngoại thương tại tỉnh Quảng Ninh.
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tầm cỡ quốc tế, xây dựng cung thể thao hiện đại, xứng tầm khu vực như đã được quy hoạch.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2023.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.