Tạo sinh kế cho người đồng bào Cơ Tu
Từ khi bắt đầu khởi công xây dựng, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang (xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã tạo việc làm cho gần 100 lao động là đồng bào Cơ tu tại huyện Đông Giang. Hơn 2 năm làm việc tại đây, chị BRíu Thị BRơn (26 tuổi, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang) hiện đang làm nhân viên chăm sóc cây xanh khu du lịch cho biết, khi chưa có khu du lịch, những người Cơ Tu muốn tìm một việc làm ở nơi giữa đại ngàn rất là khó khăn. Người dân ở đây chủ yếu là nương, rẫy nên thu nhập rất thấp. Từ khi có khu du lịch thì thu nhập và cuộc sống người dân dần ổn định. “Khi vừa tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế thì tôi được nhận vào Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang để làm việc. Cuộc sống của tôi dần được cải thiện hơn. Một phần nữa, khi được làm việc trên chính quê hương của mình, tôi thấy rất tự hào vì đã góp một phần công sức vào việc phát triển du lịch ở quê hương của mình”, chị BRơn chia sẻ.
Đồng bào Cơ Tu có việc làm, thu nhập ổn định nhờ vào phát triển khu du lịch tại huyện Đông Giang |
Tại các khu điểm du lịch trên địa bàn huyện Đông Giang như: Khu du lịch sinh thái Cổng trời, làng du lịch cộng đồng Bhơhôồng và Đhrôồng, các đơn vị đã phối hợp UBND huyện Đông đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, nông sản truyền thống của đồng bào Cơ tu vào để giới thiệu, quảng bá đến với khách tham quan, tạo thêm thu nhập cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với UBND huyện Đông Giang về các sản phẩm mà đồng bào Cơ tu cung cấp, để làm sao ngoài việc phát triển du lịch thì cũng tạo điều kiện cho đồng bào ở có thêm các nguồn thu nhập. Hiện chúng tôi đã đưa được 12 sản phẩm vào giới thiệu tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang”.
Bảo tồn giá trị văn hoá Cơ Tu
Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, bà Hương cho biết thêm, phía đơn vị đã xây dựng một mô hình làng văn hoá Cơ tu tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Tại đây, du khách sẽ được để trải nghiệm, giao lưu và biết thêm về những nét văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ tu qua các điệu múa tân tung da dá hay ẩm thực…
Mô hình làng văn hoá Cơ tu tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang |
Về hướng phát triển lâu dài, lãnh đạo huyện Đông Giang cho biết, địa phương đang xây dựng đề án về hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cơ Tu gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai thành công đề án, huyện khắc phục điểm yếu về nguồn lực đầu tư, nhất là tính chuyên nghiệp của người dân. Bởi hiện nay, một đoàn khách khoảng 50 - 70 người muốn lên khám phá làng Du lịch cộng đồng thì đội ngũ phục vụ lập tức bị động.
Đối với các làng du lịch Cộng đồng, huyện Đông Giang sẽ sắm toàn bộ trống, chiêng và trang phục nhằm phục vụ biểu diễn múa tân tung da dá, nói lý, hát lý, không còn kiểu người góp chiêng, người góp trống tự phát như trước. Huyện sẽ củng cố ban quản lý, tổ chức hoạt động ở các làng theo hướng chuyên nghiệp; phối hợp mở các lớp tập huấn hướng dẫn viên cho cư dân bản địa. Đồng thời đẩy mạnh dệt thổ cẩm truyền thống, đan lát mây, tre nứa để làm quà lưu niệm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Huyện Đông Giang sẽ củng cố ban quản lý, tổ hoạt động ở các làng du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. |
Huyện Đông Giang cũng đang và sẽ tiếp tục thực hiện liên kết giữa các điểm du lịch với nhau và kết hợp đưa các sản phẩm OCOP vào phục vụ du khách; lập đề án phát triển dịch vụ ăn theo các dự án du lịch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.