Doanh nghiệp phải công khai thông tin dự án bất động sản, giao dịch qua ngân hàng Gặp khó khi tiếp cận các chương trình tín dụng: Doanh nghiệp Quảng Nam kiến nghị gì? |
Loạt dự án "bất động"
Ghi nhận tại dự án Khu đô thị Homeland Paradise Village, thuộc Khu đô thị số 6 tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được triển khai thực hiện từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang. Nhiều khu biệt thự, nhà liền kề xây dựng dang dở rồi bỏ hoang nhiều năm nay.
Dự án Khu đô thị Homeland Paradise Village xây dựng dang dở |
Được biết, khu đô thị này có tổng diện tích quy hoạch được giới thiệu lên 31,43 ha, vốn đầu tư lên tới 4.250 tỷ đồng. Dự án do Homeland Group làm chủ đầu tư.
Dự án bao gồm 94 lô biệt thự, 570 nhà liền kề và một lô chung cư, từng được truyền thông miêu tả là một siêu phẩm được xây dựng theo phong cách cổ kính Hội An, nhưng khu đô thị thi công giữa chừng rồi bỏ hoang nhiều năm nay.
Không chỉ riêng dự án “bất động” này, đi dọc vệt sông Cổ Cò - nơi từng được giới thiệu rầm rộ với hàng loạt dự án, đến nay ở khu vực này các dự án gần như dừng hẳn việc thi công.
Tại 3 dự án bất động sản của Công ty CP Bách Đạt An gồm: Khu đô thị 7B mở rộng, Hera Complex Riverside, Bách Đạt (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã dừng thi công, nhiều hạng mục dở dang.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, hiện tại hầu hết các đơn vị đều gặp vướng mắc trong vấn đề tài chính. Cụ thể, tất cả các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đều bị kéo dài do vướng công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chi phí thực hiện dự án tăng cao, trong đó nhiều nhất là chi phí lãi vay để thực hiện dự án. Ngoài ra, chi phí vật tư, trượt giá khiến chi phí xây dựng tăng cao mà thực tế chi phí duyệt thấp hơn rất nhiều dẫn đến lỗ giá trong xây dựng buộc doanh nghiệp phải bù đắp. Cùng với đó, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi đã phê duyệt có những dự án đã nộp kéo dài nhiều năm mà không thể ra sổ để thu hồi vốn, phần chi phí lãi phát sinh kéo dài dẫn đến chi phí tăng rất lớn, trong khi đó chi phí này doanh nghiệp cũng không được khấu trừ vào tiền sử dụng đất của dự án.
Nhiều dự án cũng rơi vào cảnh dở dang, vắng vẻ |
Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc đối với việc tiếp cận chương trình tín dụng của ngân hàng. Đơn cử trong việc xác định tài sản đảm bảo, khi thị trường bất động sản giảm sâu thì các ngân hàng đưa ra các chính sách hạn chế rủi ro như định giá thấp, hạ tỷ suất vay,... Cơ chế chính sách chung thường xuyên thay đổi nên ngân hàng thận trọng hơn, đưa ra quy chuẩn cao hơn để nhận làm tài sản thế chấp.
Hơn nữa, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến các khoản phải thu chậm thu hồi, hàng tồn kho chậm luân chuyển nên các ngân hàng cũng hạn chế nhân các khoản trên làm tài sản đảm bảo.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2023, các địa phương đề xuất danh mục dự án đầu tư bất động sản nhà ở còn hạn chế; không có danh mục dự án đầu tư bất động sản nhà ở đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt để thu hút đầu tư.
Trong quý II và quý III năm 2023, không có dự án mới được chấp thuận. Tiến độ đầu tư các dự án hiện chậm; giá giao dịch giảm; giao dịch trầm lắng; một số khu vực gần như rơi vào trạng thái ngủ đông.
Doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý |
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như: Cơ chế về tín dụng bị siết chặt, đây là vấn đề khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án phức tạp, cơ chế chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng thay đổi qua các thời kỳ làm khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Người dân không đồng ý với việc không bố trí tái định cư. Công tác này vướng mắc kéo theo chậm tiến độ thực hiện dự án, chậm được giao đất, kéo theo toàn bộ dự án thực hiện không đúng tiến độ quy định. Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ phải xin ý kiến của địa phương và nhiều đơn vị liên quan dẫn đến thủ tục mất rất nhiều thời gian; đồng thời chưa có quy định thời gian bắt buộc phải có ý kiến góp ý về điều chỉnh tiến độ, dẫn đến phải chờ đợi đầy đủ ý kiến các ngành liên quan ảnh hưởng đến các thủ tục khác liên quan.
Bên cạnh đó, còn những vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý. Doanh nghiệp phản ánh việc giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ theo phiếu hẹn; cụ thể như thủ tục gia hạn tiến độ thực hiện dự án, thẩm định nhu cầu sử dụng đất đồng thời thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục đăng ký biến động đất đai; thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được thực thông qua dịch vụ công, nhưng thời gian xử lý, giải quyết hồ sơ vẫn chưa đúng giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
Hơn nữa, khó khăn về nguồn vật liệu thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đất san lấp; hiện nay trên địa bàn tỉnh nguồn nguyên liệu đất đồi để san lấp, thi công công trình có nhu cầu rất lớn nhưng hầu hết các mỏ đã cấp đều hết phép hoặc không đủ trữ lượng để cung cấp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.