Thực hiện tốt các chương trình tín dụng, cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế Quảng Nam: Kiến nghị thu hồi đất đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế |
Loạt khó khăn khi tiếp cận chương trình tín dụng
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Nam về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đối với việc tiếp cận chương trình tín dụng của ngân hàng.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp có lịch sử trả nợ tốt nhưng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên gặp nhiều khó khăn, hệ thống báo cáo tài chính chưa quy chuẩn nên chưa chứng minh được dòng tiền.
Ngoài ra, một số ngân hàng đánh giá doanh nghiệp dựa trên báo cáo thuế, báo cáo được kiểm toán,... ngân hàng hạn chế tài trợ vốn cho doanh nghiệp mới thành lập.
Áp lực tài chính đang đè nặng lên doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay |
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, các doanh nghiệp gặp phải vướng mắc trong việc xác định tài sản đảm bảo. Trong đó, khi thị trường bất động sản giảm sâu thì các ngân hàng đưa ra các chính sách hạn chế rủi ro như định giá thấp, hạ tỷ suất vay,... Cơ chế chính sách chung thường xuyên thay đổi nên ngân hàng thận trọng hơn, đưa ra quy chuẩn cao hơn để nhận làm tài sản thế chấp.
Hơn nữa, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến các khoản phải thu chậm thu hồi, hàng tồn kho chậm luân chuyển nên các ngân hàng cũng hạn chế nhân các khoản trên làm tài sản đảm bảo.
“Lãi suất hiện nay khá cao so với hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, lãi suất chênh lệch tương đối lớn giữa 2 nhóm Nhà nước – cổ phần, trong khi tiêu chuẩn để vay vốn lại nhóm Nhà nước khắt khe hơn so với nhóm cổ phần. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu các khoản phí vay vốn như: thẩm định tài sản, cam kết rút vốn, bảo hiểm,… Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi thời gian đánh giá dòng tiền của ngân hàng nhanh hơn thời gian vòng quay vốn của doanh nghiệp, doanh thu chuyển về lớn hơn số tiền vay,...”, ông Bảo thông tin.
Gỡ khó trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng
Để tháo gỡ các vướng mắc, giúp doanh nghiệp tiếp cận chương trình tín dụng của ngân hàng một cách dễ dàng hơn, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã đề xuất hạ cách đánh giá về lịch sử trả nợ của khách hàng.
Theo đó, việc không cho vay nợ nhóm 2 trong 12 tháng đổi thành cho phép giới hạn 2-3 lần/năm hoặc cách thời điểm đánh giá 3-6 tháng khách hàng đã không còn nợ nhóm 2. Vấn đề không cho vay khách hàng từng có lịch sử trả nợ nhóm 3-5 đổi thành trong vòng 1 năm xét đến thời điểm vay vốn khách hàng không còn phát sinh nhóm nợ này.
Ngoài ra, ngân hàng nên cho phép sử dụng báo cáo nội bộ hoặc đánh giá tài chính doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau như: thẩm định thực tế, dòng tiền qua tài khoản cá nhân chủ doanh nghiệp,... cùng với đó là xem xét ngành nghề, quy mô, năng lực lãnh đạo chủ doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh |
“Khi bất động sản đang nằm ở đáy, thì nên đánh giá tài sản đảm bảo sát giá thị trường, nâng tỷ lệ cho vay/tài sản đảm bảo. Đối với tài sản chưa hoàn công, vẫn cho ghi nhận giá trị này và hoàn thành thủ tục đăng bộ sau khi đăng ký thế chấp ngân hàng. Thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa 2 nhóm Nhà nước – cổ phần bằng cách phân loại khách hàng, ngành nghề, tài sản đảm bảo, kết quả kinh doanh,... để đưa ra một quy chuẩn chung cho các doanh nghiệp, khi đạt mức độ đó sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề xuất.
Đồng thời cần giảm phí, thông qua thỏa thuận khách hàng các điều kiện như chuyển doanh thu % về ngân hàng vay vốn, cam kết sử dụng các sản phẩm khác của ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán quốc tế, khi đạt ở mức quy định thì khách hàng được giảm các loại phí trên. Hơn nữa, thời gian đánh giá dòng tiền cần phù hợp với thời gian quay vốn của khách hàng.
Trước đó, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị cũng đã có các kiến nghị, đề xuất gửi đến Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Quảng Nam để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.