Công ty Thuỷ điện Sông Bung có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển kinh tế xã hội Quảng Nam Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương được biểu dương, tôn vinh điển hình tiêu biểu năm 2023 |
Tam Hải là xã đảo có vị trí đặc biệt của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với bốn bề là biển và sông, với chỉ có con đường duy nhất là đường thủy. Tình trạng quá tải tại bến phà dẫn ra đảo gây khó khăn cho người dân và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động phát triển du lịch tại hòn đảo nhỏ xinh đẹp này.
Bến phà nối liền xã Tam Quang với xã đảo Tam Hải chỉ có một chiếc phà tự hành 18 tấn vỏ thép, đã sử dụng gần 12 năm, hiện đã xuống cấp, gây mất an toàn cho người dân.
Chiếc phà đã cũ hoạt động chuyên chở người và phương tiện ra xã đảo |
Được biết, dân số ở đảo Tam Hải hiện là 10.000 dân và lưu lượng qua bến phà ngày một tăng cao do nhu cầu đi lại sinh hoạt và công việc của bà con nhân dân ở xã đảo gia tăng. Đồng thời cùng với việc phát triển du lịch khi du khách đến với hòn đảo này ngày một nhiều hơn thì tình trạng quá tải là rất thường xuyên, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân địa phương và trải nghiệm của du khách.
Bạn Mai Thị Tố Nữ chia sẻ, em là một người con xã đảo Tam Hải, đang là sinh viên học tập ở TP Tam Kỳ nên suốt nhiều năm qua, hàng ngày đều phải chờ phà như thế này để đến trường. Nhiều lúc cao điểm, bến phà tắc hàng giờ khiến em bị muộn giờ, thậm chí phải nghỉ học.
“Đi học từ trưa nhưng mình đi từ tầm 11h30 nhưng thuyền nghỉ trưa, mình sẽ phải chuyển sang chiều 1h, thì trễ học rồi. Gặp trời mưa gió, bão thì đò nghỉ thì phải nghỉ học”- Tố Nữ cho biết
Đứng ở bến phà chờ phà chở ra đảo, anh Huỳnh Ngọc Duy xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, ví dụ 1 lượt tầm trên 15 phút, một lượt sẽ qua 2 chiếc oto, mình chờ hơi lâu, khoảng hơn nửa tiếng, như vậy thì có thể lỡ rất nhiều việc cá nhân mà không có cách nào để nhanh hơn.
Phương tiện xếp hàng dài chờ qua phà |
Ông Lê Công Nghĩa, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trăn trở cho biết, thời gian quá lâu rồi, hư liên tục, vì sắt ở dưới nước, mười mấy năm rồi. Đến tháng 9 này nếu đăng kiểm không đảm bảo chất lượng thì phà không được hoạt động, người dân không có phương tiện để đi nữa.
Thiếu phương tiện an toàn, công suất lớn, nên vào thời điểm tháng 9/2022 khi cơn bão Noru đổ bộ, tỉnh Quảng Nam đã phải huy động phà lớn, đưa đón người dân xã đảo vào đất liền tránh trú. Đến nay, dù đã có doanh nghiệp mong muốn được đầu tư xã hội hóa bến phà khang trang hơn, một chiếc phà công suất lớn, an toàn, chở được nhiều phương tiện, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn về cơ chế, chính sách.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng- Chủ tịch UBND xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đến nay thì địa phương quản lý bến phá hết sức khó khăn, con người thì ít, bến phà thì hoạt động liên tục cần người giám sát, chỉ huy điều hành, gây ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan nhà nước. Việc này các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề với địa phương để xã hội hóa bến phà nhưng vẫn đang chờ chủ trương của tỉnh của huyện.
Hơn 10 nghìn dân xã đảo Tam Hải, luôn ngóng chờ một chuyến phà an toàn, khang trang và nhanh chóng hơn, để phát triển đời sống xã hội, đẩy mạnh hoạt động du lịch nhiều tiềm năng, nhất là khi danh lam thắng cảnh Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa của Tam Hải vừa được xếp hạng di tích quốc gia.