Khai mạc Tuần hàng Việt TP. Hà Nội năm 2020 và điểm bán hàng OCOP thị xã Sơn Tây Phát triển sản phẩm OCOP gắn với cây dược liệu tại huyện miền núi Quảng Nam |
Phấn đấu ít nhất 70% sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 333 sản phẩm đã được công nhận các hạng sao OCOP, trong đó, có 275 sản phẩm hạng 3 sao, 58 sản phẩm hạng 4 sao, 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Theo kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP năm 2023, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cấp 333 sản phẩm đã được công nhận. Phấn đấu ít nhất 70% sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có 10-15 sản phẩm 4 sao. Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đảm bảo đến cuối năm 2023, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất một điểm bán hàng OCOP. Phấn đấu các sản phẩm sau 1 năm được công nhân OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên đến 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
Đảm bảo đến cuối năm 2023, tất cả 18 địa phương ở Quảng Nam đều có ít nhất một điểm bán hàng OCOP |
Ông Trần Việt Phương -Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn huyện Đại Lộc có 20 sản phẩm, chủ thể sản phẩm được công nhận OCOP giai đoạn 2018 – 2022. Thời gian qua, chương trình OCOP đã giúp một số chủ thể có điều kiện đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy định của nhà nước, nâng cao hiểu biết của các chủ thể sản xuất về các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa, từ đó chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật có liên quan.
Xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, phương hướng phát triển OCOP trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị; có nhiều sản phẩm tốt và bán hàng thật tốt đó là mục tiêu cao nhất mà OCOP hướng đến.
“Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025, có thêm 15 sản phẩm đạt 03 sao trở lên (trong đó 12 sản phẩm 3 sao; 3 sản phẩm 4 sao). Củng cố, phát triển sản phẩm đã có; phát triển mới các sản phẩm có thế mạnh và tập trung vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị chủ lực của địa phương, gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời, vận động các tổ chức kinh tế tham gia OCOP thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển sản xuất kinh doanh; đưa sản phẩm tham gia các Hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại. Huyện cũng phấn đấu xây dựng 01 Trung tâm OCOP cấp huyện và 02 điểm bán hàng OCOP”, ông Phương cho hay.
Chủ thể OCOP tại huyện Đại Lộc giới thiệu sản phẩn đến khách hàng |
Đẩy mạnh tổ chức chương trình kết nối, xúc tiến sản phẩm
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam thông tin, hiện Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối, xúc tiến sản phẩm Quảng Nam năm 2023.
Cụ thể là các hoạt động thông tin thương mại và tuyên truyền, quảng bá để tiêu thụ hàng hóa ở trong nước và nước ngoài; Tổ chức Chương trình Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại thành phố Đà Nẵng; Tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hoá, kết nối cung cầu, khảo sát thị trường tại Khu vực phía Nam, phía Bắc; Tham gia các Hội chợ thương mại xúc tiến thương mại tại các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam, phía Bắc; Tham gia Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại khác…
Mục đích là định hướng chiến lược trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp, làng nghề, các sản phẩm nông sản của tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Chú trọng hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh; duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu và đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều biến động.
Quảng Nam hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng |
Qua đó, tạo sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Khuyến khích phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo thị phần ổn định trên thị trường. Đồng thời, đảm bảo tính linh hoạt, dễ thích ứng với những biến đổi trong bối cảnh hiện nay, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường nội địa và tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững. Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nhân dân trong tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP; thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc.