Tuyên Quang: Phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại Bắc Kạn: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP |
Phấn đấu đến cuối năm 2025, có khoảng 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64%. Bình quân số tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh là 13,72 tiêu chí/xã (giảm 2,76 tiêu chí/xã so với năm 2021, nguyên nhân giảm do Bộ tiêu chí mới tăng thêm nên một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa đủ thời gian thực hiện). Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, có khoảng 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 155 xã).
Xây dựng nông thôn mới, Quảng Nam gặp khó khăn gì? |
Đến nay, Quảng Nam có 10 xã nông thôn mới nâng cao (đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020), bình quân số tiêu chí nông thôn mới xã nâng cao đạt bình quân 10,1 tiêu chí/xã so với Bộ tiêu chí mới. Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất 40% số xã đạt nông thôn mới nâng cao (khoảng 64 xã).
Hiện nay, Quảng Nam có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương đang tập trung chọn lĩnh vực kiểu mẫu để chỉ đạo thực hiện (có 10 lĩnh vực kiểu mẫu). Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu (khoảng 16 xã).
Tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025 có 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 211/957 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu hoặc thôn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22% tổng số thôn (gồm 197 đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 14 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới).
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, việc thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp trong giai đoạn 2021 – 2025 gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, Bộ tiêu chí giai đoạn này tăng thêm nhiều chỉ tiêu (xã nông thôn mới tăng 8 chỉ tiêu, xã nông thôn mới nâng cao tăng 7 tiêu chí và 52 chỉ tiêu,...) và mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí đều tăng cao.
Nhiều chỉ tiêu ban hành chưa phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, vùng miền. Cụ thể, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt từ 20 - 25%. Việc này rất khó thực hiện đối với huyện miền núi, trong khi các công trình cấp nước sạch nông thôn đầu tư trước đây không còn phù hợp, hiệu quả,....
Chỉ tiêu về đất cây xanh công cộng tại điểm dân cư nông thôn ≥2m2/người, trong bối cảnhhiện trạng nông thôn việc quy hoạch đất phục vụ công cộng chưa đạt diện tích/người, thì không thể đạt với việc trồng cây xanh. Quy định hình thức hỏa táng ở nông thôn đối với tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao 5%, trong khi ở miền trung thì vì mai táng theo phong tục nên hỏa táng sẽ khó khăn.
Các chỉ tiêu mới như: Tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn (trên 30%); Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định (trên 50%), các chỉ tiêu này phải cần thời gian để thực hiện, đa số từ nhận thức của người dân từ đó mới đạt kết quả theo kế hoạch.
Tiêu chí 8.4 (xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao), 9.2 (huyện nông thôn mới nâng cao), 9.5 (huyện nông thôn mới) về dịch vụ công trực tuyến chưa phù hợp với Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; cơ sở dữ liệu để thực hiện chỉ tiêu khám bệnh từ xa, tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử chưa đồng bộ từ trung ương, các bệnh viện nên hiệu quả triển khai còn thấp.
Hiện nay vẫn còn một số Bộ, ngành chưa hướng dẫn thực hiện tiêu chí (Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao). Nhiều Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện tiêu chí chưa cụ thể, còn chung chung gây lúng túng trong tổ chức thực hiện tại địa phương.
“Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp trong giai đoạn 2021 – 2025 quá nhiều chỉ tiêu nhưng nguồn lực hạn chế nên nhiều nội dung chưa có cơ chế hỗ trợ”, đại diện Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam cho hay.
Xem xét cân đối Ngân sách Trung ương cho các xã nông thôn mới nâng cao
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục hoàn thiện quy định đánh giá xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và quy định đánh giá huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao để địa phương thuận lợi trong thực hiện.
Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Trung ương sớm có hướng dẫn sử dụng vốn Ngân sách Trung ương năm 2023 (nhất là vốn đầu tư và kinh phí sự nghiệp ngoài định mức); xem xét giao vốn ngân sách Trung ương cho 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới để UBND tỉnh xây dựng phương án trình HĐND tỉnh để thực hiện.
Ngoài ra, đề nghị Trung ương xem xét phân bổ trung hạn kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương chủ động trong thực hiện và trình HĐND tỉnh các định mức hỗ trợ.
Đồng thời, cũng đề nghị Trung ương xem xét cân đối Ngân sách Trung ương cho các mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu khi Trung ương có nguồn tăng thu, vượt thu.
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có hướng dẫn quy mô thực hiện mô hình, định mức kinh tế kỹ thuật, nội dung cụ thể của mô hình, để tỉnh có cơ sở thực hiện chi thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh, theo như Điều 29, Thông tư số 53/2022/TT-BTC.