Thu hút đầu tư du lịch rừng theo hướng hiệu quả, phát huy giá trị kinh tế đang là hướng đi mà ngành du lịch Quảng Bình đặt ra.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp/nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch diễn ra trong tháng 5 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có thông báo đến các đơn vị liên quan thống kê diện tích rừng có tiềm năng phát triển du lịch nhằm có cơ sở trong việc xây dựng phương án khai thác phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng, ban chức năng phối hợp với UBND cấp xã rà soát, thống kê diện tích rừng đang tạm giao cho UBND xã quản lý có tài nguyên, tiềm năng về phát triển du lịch.
Xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Đảm bảo rừng có chủ để xây dựng phương án quản lý bền vững, làm cơ sở quản lý, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng hiện có, đồng thời phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái.
Các bạn trẻ tham gia tour du lịch trải nghiệm khám phá tại khu vực rừng tự nhiên tỉnh Quảng Bình. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cũng đề nghị Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo Đề cương và dự toán đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 12/2021; giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ Minh Hóa tập trung hoàn chỉnh Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực rừng Tú Làn, xã Tân Hóa theo ý kiến thẩm định của các sở, UBND huyện Minh Hóa.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cũng yêu cầu các ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong khẩn trương hoàn thành việc rà soát diện tích, ranh giới lâm phận, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về đất đai của đơn vị; báo cáo cơ quan chủ quản bố trí kinh phí để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định đối với các chủ rừng có sử dụng ngân sách Nhà nước.
“Các đơn vị chủ rừng cần chủ động rà soát, thống kê diện tích rừng có tiềm năng về du lịch sinh thái trong lâm phận quản lý làm cơ sở kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng”, Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo.
Trao đổi về vấn đề phát triển du lịch sinh thái, ông Bạch Thanh Hải - Giám đốc Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong cho hay, ngay từ khi thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, Đảng ủy, lãnh đạo Ban quản lý luôn xác định phát triển dịch vụ du lịch sinh thái là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, ngoài các nhiệm vụ Bảo vệ phát triển bền vững tài nguyên rừng, Nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và Tuyên truyền, hỗ trợ thúc đẫy phát triển kinh tế người dân sống gần rừng (vùng đệm). Phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững gắn với bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những chiến lược quan trọng của đơn vị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị của tài nguyên đa dạng sinh học Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong.
Anh Võ Thanh Sơn - Giám đốc và là người sáng lập Công ty TNHH công nghệ và du lịch TripTech , đơn vị kết hợp và triển khai các hoạt động du lịch khám phá tại Quảng Bình cho hay, sau những lần hợp tác với các đối tác du lịch Quảng Bình để tổ chức các chuyến đi trải nghiệm với các nhóm bạn trẻ, tôi nhận ra rằng du lịch trải nghiệm khám phá và du lịch rừng ở Quảng Bình rất nhiều tiềm năng và đang dần khẳng định thương hiệu.
"Đơn vị đang sắp xếp kế hoạch để có thể đưa vẻ đẹp núi rừng Quảng Bình đến với nhiều bạn trẻ hơn trong tương lai, đồng thời lên kế hoạch hợp tác với một số diễn viên, người nổi tiếng để xây dựng những thước phim ý nghĩa về núi rừng, quê hương và con người đất Quảng Bình"- anh Thanh Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, để tránh những hệ luỵ xấu khi phát triển du lịch rừng, du lịch sinh thái một cách ồ ạt, không có tổ chức, xây dựng trái phép, lợi dụng du lịch để khai thác gỗ, lâm sản, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần quản lý chặt các hoạt động này.