Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại khu vực miền Trung Quảng Bình: Bố trí nguồn lực sửa chữa các hồ có nguy cơ mất an toàn |
Hiện tại tỉnh Quảng Bình có 07 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động gồm KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Tây Bắc Quán Hàu, KCN Cam Liên, KCN Cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II và KCN cửa ngõ phía Tây có tất cả 40 cơ sở đang hoạt động. Theo quy hoạch phát triển KCN tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030 thì trên địa bàn toàn tỉnh có 10 KCN. Đồng thời, địa phương này hiện có 06 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập với tổng diện tích 75,44 ha. Theo phương án phát triển CCN tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 38 CCN với tổng diện tích 756,6 ha.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc phát triển các KCN, CCN đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý nguồn thải này còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người. Áp lực chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề đến môi trường là không hề nhỏ, để giảm thiểu những tác động đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã quan tâm giải quyết nhiều vấn đề về môi trường, các sở, ngành trong tỉnh cũng tăng cường kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quốc Khánh- Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho biết, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT nói chung và công trình xử lý môi trường nói riêng hoàn toàn từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng nên đến nay chỉ có KCN Cảng biển Hòn La được đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất giai đoạn 1 là 500 m3/ngày đêm. Đối với hệ thống thu gom thoát nước mưa, cơ bản đã được xây dựng đồng bộ cùng các trục giao thông trong KCN, khu chức năng trong KKT.
Trạm xử lý nước thải tập trung KCN cảng biển Hòn La |
“Thời gian qua, Ban Quản lý đã luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ban đã chỉ đạo các phòng, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ môi trường tại các KCN, KKT theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan; triển khai kịp thời, cụ thể các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường KCN, KKT. Ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong KCN, KKT chấp hành quy định về bảo vệ môi trường”- ông Khánh cho hay.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, do nguồn ngân sách hạn chế nên hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục công trình bảo vệ môi trường tại các KCN, KKT chưa được xây dựng đồng bộ, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, chỉ có KCN Cảng biển Hòn La được đầu tư hoàn thiện Nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất giai đoạn 1: 500m3/ngày đêm.
Ngoài ra, các dự án đầu tư vào KCN chủ yếu quy mô nhỏ và ít phát sinh nước thải. Trong thời gian qua, mặc dù Ban Quản lý Khu kinh tế đã tích cực kêu gọi, đăng tải thông tin mời, làm việc với nhà đầu tư quan tâm xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các KCN nhưng do khối lượng nước thải ít, hiệu quả đầu tư thấp nên hầu hết các nhà đầu tư đã từ chối đầu tư sau khi tìm hiểu, khảo sát; việc thu hút nhà đầu tư tham gia trong lĩnh vực xử lý môi trường KCN còn hạn chế.
Một trong những lý do nữa ông Khánh đưa ra là do ảnh hưởng của tình hình thế giới, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát neo ở mức cao; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn hoặc tìm kiếm đơn hàng. Do đó, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở bị hạn chế.
"Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, yêu cầu các KCN phải xây dựng, vận hành thường xuyên nhà máy xử lý nước thải tập trung. Quy định này gây khó khăn đối với các KCN do nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong điều kiện hạn mức hỗ trợ từ Trung ương không còn, ngân sách địa phương khó khăn nên việc bố trí nguồn vốn để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung chưa thực hiện được. Mặt khác, với các KCN quy mô nhỏ, lượng nước thải phát sinh không lớn. Việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải gây tốn kém, phát sinh chi phí vận hành nên hiệu quả kinh tế không cao. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình gửi cho Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài chính điều chỉnh một số Thông tư, quy định nhằm phù hợp với các KCN đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”- ông Khánh cho biết thêm.