Giải pháp nào để gia cố, sửa chữa cầu Sông Thai trước nguy cơ sập? Quảng Bình: Dự án môi trường đô thị 38 triệu USD đang vướng ở đâu? |
Theo Phòng Công nghiệp - Sở Công Thương Quảng Bình, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tháng 9 năm 2024 tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 8,2% so với tháng 9 năm 2023. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 7,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 3,6%. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2024 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 13.317,6 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng đạt 503,6 tỷ đồng, giảm 0,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11.826,0 tỷ đồng, tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 868,6 tỷ đồng, tăng 6,9%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 119,4 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 9 tháng năm 2024 (tăng so với cùng kỳ năm trước): Gỗ xẻ được xử lý, bảo quản đạt 11.272 m3, tăng 92,2%; sản phẩm tinh bột sắn đạt 8.197 tấn, tăng 43,4%; ván ép từ gỗ đạt 39.845 m3, tăng 41,8%.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 9 tháng năm 2024 tăng trưởng cao có gỗ xẻ được xử lý (Ảnh: Thành Long) |
Ông Hồ Nhật Bình- Trưởng Phòng Công nghiệp- Sở Công Thương Quảng Bình cho biết: “Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng và đạt được kết quả tích cực. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa chưa thực sự ổn định; một số sản phẩm sản xuất của doanh nghiệp tiêu thụ khó khăn nên vẫn còn hàng tồn kho. Nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ,… nhiều doanh nghiệp đã có các đơn hàng mới được ký kết để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Một số ngành sản xuất chế biến thực phẩm; đồ uống; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trong quý III và 9 tháng năm 2024”.
Đối với lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 45.156,1 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng năm 2024 ước đạt 38.700,7 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động lưu trú và ăn uống 9 tháng năm 2024 ước đạt 3.917,2 tỷ đồng, tăng 12,3%; doanh thu hoạt động du lịch đạt 502,3 tỷ đồng, tăng 35,00% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ 9 tháng năm 2024 ước đạt 2.036 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đại diện Phòng Quản lý thương mại- Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng. Nhìn chung, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước uống, nhiên liệu với nguồn cung dồi dào đa dạng đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho nhân dân, trong những ngày nghỉ lễ quốc khánh giá cả hàng hóa cơ bản không có thay đổi so với những ngày trước dịp nghỉ lễ. Riêng giá mặt hàng hải sản (tôm hùm, ghẹ, mực) trong các ngày từ 02-03/9/2024 tăng khoảng 5% - 10% so với trước lễ do nhu cầu ăn uống và mang về làm quà của khách du lịch và người dân tăng lên; các mặt hàng khác giá cả ổn định. Các nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa trên địa bàn hoạt động bình thường. Các mặt hàng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng bán lẻ phong phú, đa dạng đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu người dân và du khách. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.
“Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn cung đảm bảo, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Sở Công Thương phối hợp với đơn vị liên quan và Cục QLTT thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp,… để đánh giá tình hình cung cầu hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhất là nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá”- vị đại diện này cho hay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2024 tăng 11,7% so với cùng kỳ |
Ông Pha Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho hay: “Sản xuất công nghiệp quý III và 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp quý III tăng 8,7% và 9 tháng đầu năm tăng 7,7 %; giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành sản xuất chế biến thực phẩm; đồ uống; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước”.
“Quý III năm 2024, trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hoá, thể thao, lễ hội hết sức ý nghĩa, đặc sắc nhằm phục vụ người dân và du khách trong dịp nghỉ lễ đã thu hút số lượng lớn du khách đến với Quảng Bình góp phần phát triển các hoạt động du lịch và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa của người dân. Vì vậy, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành sản xuất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2024 tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng/2024, tăng 11,5%”- ông Nam chia sẻ.