Quảng Bình đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội số |
Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến hết tháng 11/2022, tỉnh Quảng Bình đã có 759.136 người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 24.558 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 92,5% kế hoạch được giao và đạt tỷ lệ bao phủ 83,4% dân số; ước năm 2022 có 820.665 người tham gia, đạt 100% kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Bình cho hay, chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đều đang gặp khó khăn: Về bảo hiểm xã hội bắt buộc, đến hết tháng 11, Quảng Bình có 71.251 người tham gia, tăng 2.254 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 94,7% kế hoạch được giao; ước đến hết năm 2022 có 71.584 người tham gia, đạt 95,13% kế hoạch được giao.
Riêng bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến hết tháng 11/2022 có 32.333 người tham gia, tăng 1.331 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 72,35% kế hoạch được giao; ước thực hiện năm 2022 có 32.268 người tham gia, đạt 72,2% kế hoạch được giao. Về bảo hiểm thất nghiệp, hiện toàn tỉnh có 63.286 người tham gia, tăng 935 người so với cuối năm 2021, đạt 93,9% kế hoạch được giao.
Ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ năm 2022 |
Nêu rõ nguyên nhân, theo ông Phạm Thanh Tùng là do nguồn lao động trên địa bàn tỉnh không đủ khai thác để có thể hoàn thành kế hoạch phát triển bảo hiểm bắt buộc năm 2022, do nhiều cơ quan, đoàn thể thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Năm 2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao tỉnh phát triển 75.250 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 5.008 người so với năm 2021. "Tuy nhiên qua rà soát 100% doanh nghiệp quyết toán thuế, doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đầu năm (18.525 doanh nghiệp) cũng chỉ phát triển được 5.183 người lao động"- ông Tùng thông tin.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Bình thống kê, trên địa bàn tỉnh có 6.626 người lao động được doanh nghiệp ký hợp đồng khoán việc hoặc có thời gian hợp đồng dưới 1 tháng nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; có nhiều văn phòng đại điện, chi nhánh công ty tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở địa bàn tỉnh khác (khoảng 8.000 người lao động).
Ngoài ra, trong 11 tháng năm 2022, mặc dù Quảng Bình đã khai thác mới được 7.069 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng số giảm lên đến 9.467 người, dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm 2.398 người so với cuối năm 2021.
Về bảo hiểm y tế, năm 2022 tỉnh Quảng Bình chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ước vượt 9,5% so với dự toán được Chính phủ giao. Đồng thời, phần lớn nguồn thu của các cơ sở khám chữa bệnh là từ quỹ bảo hiểm y tế, trong điều kiện các cơ sở công lập phải tự chủ tài chính, nên dẫn đến tình trạng tăng khai thác sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để tăng thu quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh; chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh không cần thiết phải điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú.
Trước tình hình thực tế thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Quảng Bình, tại buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Bình ngày 14/12, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - ông Nguyễn Đức Hòa cho hay, nhiệm vụ chung mà bảo hiểm xã hội các địa phương cần nỗ lực thực hiện là triển khai tích cực và hiệu quả nhất các giải pháp mở rộng người tham gia phù hợp với điều kiện địa phương.
Để thực hiện các nhiệm vụ của năm 2022, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Hòa nêu rõ, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Bình cần tích cực hỗ trợ các tổ chức dịch vụ thu để đôn đốc, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; thực hiện hiệu quả giải pháp tuyên truyền “đi từng ngõ, vào từng nhà” để đưa chính sách đến với người dân. "Đặc biệt, cần tập trung khai thác số người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội được phát hiện khi rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp trên nguyên tắc thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật'- ông Hòa nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị, tỉnh Quảng Bình cần tăng cường công tác giám định, trong đó cần chú trọng thông báo kịp thời một số chỉ số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có diễn biến bất thường; đẩy mạnh kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, từ đó phát hiện những vấn đề bất thường trong chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thực hiện Kế hoạch số 3512/KH-BHXH ngày 18/11/2022 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về phát động Chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2022 và mang Tết ấm đến với người nghèo - Xuân Quý Mão”, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trao tặng 10 suất quà cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới; trao tặng 50 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh Trường tiểu học Quảng Đông (huyện Quảng Trạch). Dự kiến, chương trình sẽ trao tặng 130 sổ bảo hiểm xã hội cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và 2.200 thẻ bảo hiểm xã hội cho học sinh tại các xã vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg.