Quảng Bình: Chỉ số công nghiệp và thương mại đều tăng trong quý I Giá trị sản xuất công nghiệp Quảng Bình tăng 12,1% |
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tháng 5 năm 2023 tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 12,3% so với tháng 5 năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 5 tháng năm 2023 (tăng so với cùng kỳ năm trước): sản phẩm tinh bột sắn đạt 3.137 tấn, tăng 84,9%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 151.414 nghìn viên, tăng 49,9%; cao su tổng hợp và cao su tự nhiên sản xuất đạt 346 tấn, tăng 47,9%; cao lanh đạt 31.821 tấn...
Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Bình, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Các doanh nghiệp sản xuất trang phục đã có đơn hàng đến giữa quý III năm 2023 (từ các thị trưởng lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc...). Tuy nhiên, tình hình sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình an ninh, chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; tình trạng thiếu hụt đơn hàng, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, hàng tồn kho ở mức cao (gỗ ván ép); việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với các dự án sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động (sản xuất trang phục, sản xuất gỗ ván ép) do thiếu hụt đơn hàng, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, số lượng lao động đã bị cắt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Các chỉ số công nghiệp và thương mại tại Quảng Bình đều tăng so với cùng kỳ năm trước. |
Trong khi đó đối với lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 năm 2023 ước đạt 4.537,6 tỷ đồng, tăng 3,24% so với tháng trước và tăng 12,56% so với cùng kỳ. Cụ thể: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 3.893,5 tỷ đồng, tăng 1,28% so với tháng trước và tăng 12,45% so với cùng kỳ...
Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình thông tin, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai kế hoạch tuyên truyền Tuần lễ Thương hiệu quốc gia nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Đây cũng là thời điểm bắt đầu bước vào mùa du lịch hè năm 2023, là tháng trùng vào dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5, Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội Rằm tháng 3 huyện Minh Hóa,…Vì vậy, nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân tăng cao vào dịp nghỉ lễ dài ngày đã tác động đến tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2023 tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ.
Giá cả một số mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định. Riêng trong dịp Lễ những ngày 30/4 – 1/5, một số mặt hàng tăng giá (thuỷ hải sản tăng khoảng 20%; rau củ quả tăng nhẹ khoảng 1-3%) do lượng khách du lịch tăng cao, dẫn đến nhu cầu ăn uống và mua sắm tăng.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn cung đảm bảo, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa,… đã hoạt động bình thường. Nhìn chung, số lượng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu tại các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh dự trữ với số lượng lớn, nguồn cung dồi dào đa dạng đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường...