Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường bảo mật hệ thống liên lạc sau vụ nổ loạt máy nhắn tin ở Lebanon
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đang triển khai đánh giá các biện pháp bảo mật cho hệ thống liên lạc của lực lượng vũ trang sau hàng loạt vụ nổ thiết bị tại Lebanon, gây ra nhiều thương vong.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ sử dụng các thiết bị nội địa và thực hiện các quy trình kiểm soát nghiêm ngặt khi có sự tham gia của bên thứ ba trong việc mua sắm hoặc sản xuất. Các vụ nổ tại Lebanon, chủ yếu xảy ra với bộ đàm và máy nhắn tin do lực lượng Hezbollah sử dụng, đã làm gia tăng lo ngại về tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến an ninh mạng.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai đánh giá các biện pháp bảo mật cho hệ thống liên lạc của lực lượng vũ trang sau hàng loạt vụ nổ thiết bị tại Lebanon - Ảnh: Reuters |
Song song với những biện pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, Hội đồng An ninh quốc gia Iraq cũng tuyên bố sẽ tăng cường kiểm tra an ninh đối với các thiết bị nhập khẩu và đưa ra các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn nguy cơ từ thiết bị điện tử.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tiết lộ rằng, chính phủ đang lên kế hoạch thành lập một cơ quan an ninh mạng độc lập, sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng tự vệ trước các mối đe dọa công nghệ cao.
Nhật Bản và Pháp lần đầu tổ chức tập trận chung tại Miyagi
Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản và quân đội Pháp đã lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận chung tại Nhật Bản, nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối mặt với nhiều thách thức an ninh mới. Theo đài NHK, cuộc tập trận bắt đầu tại tỉnh Miyagi ở miền Bắc Nhật Bản, với các hoạt động chống du kích và tiếp tục mở rộng ra các khu vực khác trên lãnh thổ Nhật Bản.
Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản và quân đội Pháp đã lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận chung tại Nhật Bản - Ảnh: NHK |
Trước đó, vào năm 2023, hai quốc gia cũng đã phối hợp trong cuộc tập trận bắn đạn thật "Brunet Takamori" tại vùng lãnh thổ New Caledonia của Pháp ở Thái Bình Dương, kéo dài từ ngày 10 - 30/9. Lần này, cuộc tập trận tại Nhật Bản bao gồm nhiều nội dung như bắn đạn thật, huấn luyện chiến đấu trong đô thị và vận hành trực thăng. Đặc biệt, báo chí đã được mời tham gia quan sát một cuộc diễn tập mô phỏng giải cứu con tin bị các phần tử vũ trang nổi loạn bắt giữ trong một tòa nhà tại khu vực đô thị.
Chỉ huy Sư đoàn 9 của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản, ông Fujioka Fumio, bày tỏ tin tưởng rằng cuộc tập trận sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy giữa Nhật Bản và Pháp, đồng thời đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tướng Valentin Seiler của Lữ đoàn thiết giáp hạng nhẹ số 6 Quân đội Pháp cũng nhấn mạnh, cuộc tập trận là một phần trong nỗ lực củng cố hợp tác quốc phòng giữa hai nước, phù hợp với những cam kết đã được nhất trí tại cuộc gặp cấp cao giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng năm ngoái.
Trung Quốc giới thiệu máy bay vận tải Y-20 tại triển lãm hàng không Nam Phi
Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc quảng bá và xuất khẩu máy bay vận tải hạng nặng Y-20, dòng máy bay quân sự hàng đầu của Không quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF), thông qua các triển lãm hàng không quốc tế.
Mới đây, Trung Quốc đã giới thiệu Y-20 tại Triển lãm Quốc phòng và Hàng không vũ trụ châu Phi (AAD 2024) - sự kiện hàng không lớn nhất châu Phi, diễn ra từ ngày 18-22/9 tại căn cứ không quân Waterkloof, gần Pretoria, Nam Phi.
Trung Quốc giới thiệu máy bay vận tải Y-20 tại triển lãm hàng không Nam Phi. Ảnh: South China Morning Post |
Y-20 với trọng lượng hơn 100 tấn và khả năng vận chuyển tối đa 66 tấn hàng hóa, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển quân đội và thiết bị quân sự. Tại AAD 2024, Đại úy Liang Yao cho biết, Y-20 sẽ thực hiện năm "thao tác bay được biên đạo cẩn thận" trong màn trình diễn kéo dài 10 phút, nhằm thể hiện hiệu suất vượt trội của dòng máy bay này và khả năng điều khiển xuất sắc của phi công Trung Quốc.
Phiên bản xuất khẩu của Y-20 mang tên Y-20BE cũng đã được giới thiệu với các quan chức quốc phòng Nigeria vào tháng 11/2023, trong khuôn khổ chiến dịch mở rộng thị trường quân sự của Trung Quốc tại châu Phi. Không chỉ trong các sự kiện hàng không, Trung Quốc còn sử dụng Y-20 cho các nhiệm vụ nhân đạo và vận chuyển quân sự trong các cuộc tập trận quốc tế.
AAD 2024 diễn ra chỉ hai tuần sau khi Y-20 lần đầu ra mắt tại một triển lãm hàng không quốc tế ở Ai Cập, nơi dòng máy bay này thực hiện các thao tác bay ấn tượng, bao gồm lên cao và bổ nhào góc lớn, quay dốc và hạ cánh nhanh. Đặc biệt, Y-20 đã dẫn đầu một đội hình bay qua các biểu tượng lịch sử như Kim tự tháp Giza và tượng Nhân sư, cùng sáu máy bay chiến đấu J-10 của PLAAF.
Trung Quốc hiện có khoảng 100 chiếc Y-20 trong biên chế và tiếp tục mở rộng hoạt động của dòng máy bay này trong khu vực, đặc biệt là tại châu Phi, nhằm củng cố quan hệ đối tác quân sự và kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ ngày càng gay gắt.
Gói viện trợ quân sự hàng trăm triệu đô của Đức cho Ukraine: Xe tăng, pháo phòng không và UAV
Chính phủ Đức vừa công bố một gói viện trợ quân sự mở rộng cho Ukraine, bao gồm 22 xe tăng Leopard 1A5 và 61.000 viên đạn pháo, cùng nhiều thiết bị quân sự khác. Tổng cộng, gói viện trợ này gồm 23 loại thiết bị, từ xe tăng, pháo phòng không đến máy bay không người lái (UAV) và hệ thống rà phá bom mìn, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga.
Xe tăng Leopard 1A5. Ảnh: Defense Express |
Gói viện trợ bao gồm nhiều vũ khí và thiết bị quan trọng, trong đó có 3 pháo phòng không tự hành Gepard, 22 xe chống mìn (MRAP) và các radar giám sát hiện đại. Ngoài ra, Đức còn cung cấp 30 UAV Vector, 20 UAV RQ-35 và nhiều phương tiện quân sự khác như xe địa hình, xe tải nhiên liệu và bể đặt cầu. Động thái này củng cố vị trí của Đức là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, những cuộc thảo luận ngân sách gần đây tại Đức đã đặt ra câu hỏi về việc liệu nước này có thể duy trì vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong tương lai hay không.
Vào ngày 17/9, Đức đã cam kết phân bổ thêm 100 triệu Euro để giúp Ukraine chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, bày tỏ hy vọng sẽ tăng ngân sách quốc phòng năm 2024 từ mức 7,5 tỷ Euro hiện tại, nhằm duy trì mức hỗ trợ cần thiết cho Ukraine.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Đức đang xem xét các khoản bổ sung lên tới gần nửa tỷ Euro để đảm bảo hoạt động của những hệ thống vũ khí đã được chuyển giao cho Ukraine, đặc biệt là các gói phụ tùng khẩn cấp.
Nga đặt mục tiêu sản xuất 1,4 triệu UAV
Sputnik đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin thông báo, Nga đã chuyển giao 140.000 UAV cho quân đội vào năm 2023 và trong năm nay đặt mục tiêu tăng số lượng này lên gấp 10 lần.
Trong một cuộc họp với Ủy ban Công nghiệp Quân sự về phát triển hệ thống UAV, ông Putin cho biết. Nga đang chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất UAV nhằm đáp ứng nhu cầu quân sự, với kế hoạch sản xuất gần 10 lần số UAV hiện tại.
Tổng thống Vladimir Putin đặt mục tiêu tăng số lượng sản xuất UAV lên gấp 10 lần trong những năm tới. Ảnh: Sputnik |
Cũn theo Tổng thống Putin, việc sản xuất UAV sẽ được triển khai tại 48 trung tâm nghiên cứu và sản xuất đặc biệt trên toàn quốc, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Những trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm từ thiết kế, thử nghiệm đến sản xuất hàng loạt UAV, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Nga trong các chiến dịch quân sự.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, việc tăng cường sản xuất vũ khí, bao gồm UAV, đang dựa trên kinh nghiệm chiến đấu thực tế từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nga đã tập trung cải thiện các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của các loại vũ khí này, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thiết bị hiện đại cho lực lượng vũ trang.
Ông Putin cũng đề cập đến việc mở rộng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hệ thống không người lái, bao gồm cả tàu thuyền và nền tảng robot. Ông khẳng định, Nga đang nỗ lực đáp ứng đầy đủ nhu cầu quân sự, không chỉ trong lĩnh vực UAV mà còn trong các hệ thống tự động khác.