Nga đối mặt với thử thách “thanh lọc” quân đội
Theo tờ The Paper (Trung Quốc), tháng 6/2023, người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin phát động cuộc “binh biến” chớp nhoáng trực tiếp chĩa mũi nhọn vào tầng lớp lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Sergei Shoigu. Ông Prigozhin từng chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga quản lý không tốt hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine và không cung cấp vũ khí, đạn dược cho tập đoàn Wagner.
Sự việc xảy ra trong thời gian ngắn này đã kết thúc hoàn toàn sau vụ tai nạn máy bay khiến các lãnh đạo chủ chốt của Wagner thiệt mạng vào tháng 8/2023. Tuy nhiên, trước và sau khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 vào tháng 5/2024, Tổng thống Putin đã tiến hành thay đổi nhân sự ở nhiều vị trí quan trọng trong giới lãnh đạo quân đội Nga từng bị chỉ trích.
Ông không chỉ thay thế Bộ trưởng Shoigu, người có 12 năm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và là đồng minh chính trị lâu nay, mà còn bắt nhiều quan chức cấp cao khác như Thứ trưởng Quốc phòng khi đó là Timur Ivanov, Tổng cục trưởng Tổng cục nhân sự thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tướng Yury Kuznetsov, lãnh đạo bộ phận mua sắm của Bộ Quốc phòng Vladimir Verteletsky, Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội, Trung tướng Vadim Shamarin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA |
Ông Nigel Gould-Davies, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng, việc Tổng thống Putin bổ nhiệm quan chức kinh tế Andrey Belousov - chưa có kinh nghiệm quân sự - làm Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nga trên thực tế là "sự thừa nhận miễn cưỡng" của Điện Kremlin đối với cáo buộc tham nhũng trong quân đội của ông Prigozhin.
Từ năm 2008, Nga đã bắt đầu cải cách và hiện đại hóa quân đội. Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), quá trình này khiến chi tiêu quân sự của Nga tăng nhanh: Từ năm 2000-2019 đã tăng 175%, đến năm 2016 đạt mức cao nhất khi chiếm 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, do các cơ quan giám sát của Chính phủ Nga và hệ thống tổ chức quyền lực quốc gia thiếu những chính sách liên quan đến quốc phòng và giám sát hiệu quả ngân sách, cộng thêm sự thiếu minh bạch trong mua sắm quốc phòng, nên Bộ Quốc phòng nước này luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng tương đối cao.
Bên cạnh việc chưa thể tăng cường quản lý kinh tế và tài chính quốc phòng, kết quả của việc Nga tăng chi tiêu quốc phòng “quá tay” cũng làm nảy sinh vấn đề tham nhũng trong quân đội và quốc phòng, từ đó làm suy giảm hiệu quả của các hoạt động quân sự.
Nói cách khác, điều quyết định hiệu quả của các hoạt động quân sự thường không phải là chi bao nhiêu tiền, mà là có bao nhiêu tiền được sử dụng một cách hiệu quả.
Quản lý kinh tế quốc phòng trở nên vô cùng cấp bách
Cùng với việc Nga kéo dài các hoạt động quân sự ở Ukraine sau năm 2023, vấn đề tham nhũng, hối lộ và gian lận trong quân đội và hệ thống sản xuất quốc phòng ngày càng khó giải quyết hơn. Ông Prigozhin từng nhiều lần công khai chỉ trích ông Shoigu và ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga, nói rằng Bộ này đã làm giả các hợp đồng mua bán vũ khí, không cung cấp các vật tư hậu cần lẽ ra phải được giao và lạm dụng quỹ bồi thường y tế của các binh sĩ bị thương ở tuyến đầu.
Những cáo buộc và vấn đề này cuối cùng được đưa ra ánh sáng vào tháng 4 và tháng 5/2024 do một loạt hành động điều chỉnh nhân sự và bắt giữ lãnh đạo cấp cao trong Bộ Quốc phòng. Trong đó có vụ Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục truyền thông Nga Vadim Shamarin mua đi bán lại tài sản và tạo báo giá giả; vụ nhận “lại quả” từ hợp đồng và nhà thầu của Timur Ivanov và doanh nhân Sergei Borodin; hay vụ Yury Kuznetsov nhận hối lộ từ dự án xây dựng lại trường không quân Krasnodar...
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Timur Ivanov bị bắt giữ hôm 24/4. Ảnh: Reuters |
Theo giới chuyên gia, Điện Kremlin đang tìm cách khôi phục hệ thống tài chính quốc phòng và đưa hoạt động kinh tế quốc phòng Nga trở lại đúng quỹ đạo để thích ứng với sự hợp tác an ninh ngày càng tăng giữa phương Tây và Ukraine. Đồng thời, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng đối với vấn đề tham nhũng trong quân đội của nước này.
Xét từ thực trạng kinh tế quốc phòng Nga sau hơn 2 năm triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, khả năng hoạt động lâu dài của hệ thống này dưới sức ép tối đa của phương Tây vẫn có tính khó đoán định. Ngoài việc thiếu các linh kiện vi điện tử và một số bộ phận kỹ thuật tinh vi được sản xuất ở phương Tây, tốc độ sản xuất vũ khí chiến đấu chủ lực của Nga không tương đương với tốc độ tiêu hao vũ khí trên chiến trường.
Để tối ưu hóa hơn nữa nền kinh tế quốc phòng và hệ thống sản xuất, Tổng thống Putin cuối cùng đã lựa chọn ông Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trước đó, ông Belousov từng giúp tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa chính phủ và các cơ quan an ninh với các công ty lớn của Nga.
Dưới sự giám sát và quản lý của ông, UAV và năng lực sản xuất đồng bộ liên quan của Nga đã tăng lên đáng kể trong thời gian ngắn. Việc bổ nhiệm ông Belousov cho thấy, Điện Kremlin muốn khai thác thêm tiềm năng từ nền kinh tế quốc phòng và tập trung nhiều trang thiết bị có công nghệ cao hơn để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là đưa trí tuệ nhân tạo (AI) và chip cao cấp vào hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát tiên tiến.
Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế của Bộ trưởng Belousov đã cho thấy trọng tâm của ông Putin trong quá trình xây dựng và phát triển quốc phòng và quân sự giai đoạn tiếp theo. Đây được cho là động thái tái nâng cao hiệu quả chi tiêu quân sự, ổn định cơ sở cung ứng cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đồng thời phá vỡ hệ thống kiểm soát xây dựng quốc phòng do giới tinh hoa quân sự Nga nắm giữ để tăng cường giám sát trực tiếp đối với hệ thống mua sắm quân sự, nghiên cứu và phát triển trang thiết bị và phúc lợi cho quân nhân.
Trong tương lai, nếu Bộ trưởng Belousov có thể củng cố vững chắc vị trí và bổ nhiệm các đồng minh chủ chốt, ông có thể chọn các thứ trưởng quốc phòng thông thạo công việc hành chính từ các quan chức dân sự và quân sự. Những thay đổi này cũng sẽ cho thấy các mục tiêu cốt lõi của ông Putin đối với việc quản lý và xây dựng quân đội trong nhiệm kỳ mới.